Hành trình trở lại làm đàn ông của mỹ nữ tình báo

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Năm Thắng trở về với cuộc sống đời thường bình dị không ồn ào.

Bên những rặng dừa của quê hương Đồng Khởi, ít ai ngờ, người đàn ông ấy từng là “mỹ nữ” hoạt động tình báo trong đội Thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng, lập được nhiều chiến công xuất sắc cho cách mạng. Sau hơn 40 năm lặn lội, giờ đây Năm Thắng được mọi người biết đến như một tỷ phú rừng Mã Đà.

Qua cơn bĩ cực…

Trở về với đời thường với hai bàn tay trắng, cuộc sống của ông trôi qua êm đềm bên những tán lá dừa xơ xác cùng người mẹ già yếu. Suốt 5 năm hoạt động trong đội Thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng với vỏ bọc một cô gái “sắc nước hương trời”, Năm Thắng chưa bao giờ để lộ giới tính thật của mình. Hòa bình lập lại cũng là lúc, ông ước ao được trở lại bình thường như bao người đàn ông khác.

Buổi chiều bảng lảng, trong căn nhà khang trang cạnh con suối nhỏ, “mỹ nữ” Năm Thắng năm xưa bồi hồi kể: “Lúc chích hóc – môn giảm nam tính để trà trộn vào lòng địch, tui đã nghĩ mình chẳng còn cơ hội trở lại làm đàn ông nữa. Nhớ lại năm ấy, khi hòa bình lập lại và nhiệm vụ cũng kết thúc, tui hết sức hoang mang. Tui tự nhủ: “Trước vị bác sĩ tên Châu đã giúp mình làm “đàn bà” thì nay, chắc cũng chỉ ông ấy giúp được mình trở lại làm đàn ông”.

Nghĩ rồi, Năm Thắng cất công tìm gặp vị bác sĩ nọ. Nghe hết tâm sự của Năm Thắng, bác sĩ Châu đã đồng ý giúp đỡ. Liền một tháng trời sau đó, Năm Thắng phải lưu lại nhà bác sĩ Châu, cắn răng chịu những cơn đau do phản ứng phụ từ các loại thuốc hỗ trợ. “Bên cạnh thuốc uống, bác sĩ còn tiêm cho tôi 4 mũi tiêm. Đến giờ, tôi vẫn không biết thứ thuốc từ 4 ống tiêm này thành phần dược vị như thế nào. Nhưng điều kỳ diệu là khi tiêm xong mũi thứ 4, tôi đã lột xác và trở lại đúng giới tính thật của mình”, ông Năm Thắng hồ hởi.

Hành trình trở lại làm đàn ông của mỹ nữ tình báo - 1

Ông Thắng giờ đây vui vẻ bên con cháu. Ảnh TG

Món nợ “phấn son” coi như đã được trả nhưng cuộc sống chật vật, đói nghèo cứ dai dẳng đeo bám người đàn ông cần mẫn. Dù trải qua đủ thứ nghề từ làm thuê, cuốc mướn đến hốt phân bò…, ông vẫn chẳng kiếm được đủ tiền lo ba bữa cơm, lo thuốc men cho bản thân và mẹ già. Nhìn những cây dừa trơ gốc già cằn cỗi, Năm Thắng chỉ biết thở dài cam chịu. “Đầu năm 1976, tui lấy vợ. Dĩ nhiên, cô ấy không biết chuyện tôi từng giả gái trước đây. Gia cảnh vốn đã nghèo mạt, nay lại thêm 5 đứa con nối tiếp nhau ra đời khiến nỗi lo miếng cơm manh áo càng thêm áp lực. Nhiều đêm trăn trở, tui thầm nghĩ: “Đời mình đã khổ vì chiến tranh loạn lạc. Giờ hòa bình rồi, mình phải nghĩ cách cho các con được hưởng sung sướng. Nghĩ vậy, tui bàn với vợ rời quê hương đi chỗ khác lập nghiệp”, Năm Thắng bồi hồi kể lại.

Gần chục năm tha hương, xoay sở đủ thứ nghề, Năm Thắng nghèo vẫn hoàn nghèo. Giữa lúc cuộc sống bấp bênh, chật vật, vợ ông không chịu nổi nên lẳng lặng ẵm đứa con út bỏ nhà ra đi. Không còn cách nào khác, Năm Thắng đành gửi ba đứa con lớn cho người quen chăm sóc hộ. Bản thân ông ẵm đứa con 7 tuổi lặn lội sang tận Campuchia để mưu sinh.

Tại Campuchia, ông tìm đến xóm người Việt sinh sống bên kia cầu Sài Gòn ở thủ đô Phnompenh để mưu sinh. Mỗi sáng sớm, Năm Thắng lại thức dậy nhào bột, làm bánh bò đem bán. Thời gian sau này, nhờ người quen giới thiệu, một chủ tiệm bánh mì tốt bụng đã nhận ông vào làm việc. Hết giờ làm ở tiệm, ông lại tranh thủ đi bán bánh dạo. Đôi bàn chân của người tình báo năm xưa nay chai lì nơi xứ người, những mong cuộc sống sẽ đổi khác. Vậy nhưng, chuyện đời không đơn giản vậy! Lúc bấy giờ, tình hình xã hội Campuchia bất ổn, hai cha con ông lại dắt díu nhau quay về Kiên Giang tìm kế sinh nhai. Vậy là sau hơn 10 năm tha phương cầu thực, Năm Thắng trở về với con số không tròn trĩnh.

… đến hồi thái lai

Cuộc đời tình báo giả gái lên phim

Ngày 6/4/2012, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã trao Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì cho ông Huỳnh Văn Thắng. Đồng thời, một hãng phim ở TP. HCM cũng đang viết kịch bản dài 30 tập xoay quanh cuộc đời làm tình báo giả gái của ông Năm Thắng.

Về lại quê hương Đồng Khởi với hai bàn tay trắng, Năm Thắng chẳng có gì ngoài ý chí vượt lên số phận. Nhờ một người thân giới thiệu, ông đã lên vùng kinh tế mới ở rừng Mã Đà (tỉnh Đồng Nai) lập nghiệp. Năm 1995, ông khăn gói đến vùng đất hứa miền Đông với “vốn liếng” ban đầu là một vạt rẫy mượn của người thân. Sau đó, Năm Thắng mượn thêm 2ha đất của UBND Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (cũ), nay là xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để chăn nuôi và trồng trọt.

Sinh ra ở chốn miệt vườn, từ nhỏ tới lớn chỉ quen nghề nhào nặn bột mì, nay phải cầm lấy chiếc cuốc, cái rựa khai khẩn đất hoang giữa miền sơn cước rừng thiêng nước độc của Mã Đà, ông phải chịu nỗi cơ cực không thể nào kể xiết. Năm Thắng bùi ngùi: “Lúc đó, tui chỉ cần có chút hy vọng thay đổi cuộc sống nghèo khổ là gật đầu ngay. Không ngờ, đó là quyết định đúng đắn nhất!”. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, Năm Thắng bắt tay vào làm rẫy mỳ, dưa hấu, khoai lang và cây ăn trái. Dần dà, từ số tiền dành dụm được sau những vụ mùa, ông đã mua thêm đất tổng cộng 14ha và phát triển theo mô hình trang trại VAC. Năm 2001, ông mở công ty TNHH Thắng Vinh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người địa phương và trở thành tỷ phú nơi núi rừng Trị An.

Hành trình trở lại làm đàn ông của mỹ nữ tình báo - 2

Ngôi nhà khang trang của ông Thắng nơi núi rừng Trị An. Ảnh TG

Ngồi trước mặt tôi bây giờ là một người đàn ông ngoài 60, gương mặt phúc hậu, nước da trở nên đen sạm. Những điệu bộ nhi nữ thời còn hóa thân trong đội Thiên Nga Phụng Hoàng, người ta phải tinh ý lắm mới nhận được ra. Đó là những lúc say mê kể chuyện, Năm Thắng lại khoa tay múa chân một cách nhẹ nhàng và mềm mại. Sau tiếng cười sảng khoái, Năm Thắng hài hước ví von: “Năm năm học những thao tác yểu điệu giờ thành thói quen muốn sửa cũng khó. Vì những động tác này nên hòa bình trở lại, nhiều người nghi ngờ về giới tính của tui. Chỉ đến khi tui cưới vợ, sinh một lèo 5 đứa con thì người ta mới hết bàn tán. Giống như Lục Tiểu Linh Đồng quen với vai Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du ký ấy mà”.

Giờ đây, “F5 Huỳnh Thị Thanh” của đội Thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng đã là tỷ phú sở hữu một trang trại trên 20 ha đất, 7ha mặt ao nuôi cá và khoảng 200 tấn heo xuất chuồng mỗi năm. Thành công, giàu có nhưng ông không bao giờ quên những năm tháng khốn khó cơ cực của đời mình. Bởi vậy, các phong trào giúp đỡ người nghèo ở địa phương không bao giờ vắng bóng “cô” tình báo F5 ngày ấy. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN