Hành trình kiến trúc sư tìm mộ liệt sĩ tập thể ở sân bay

Sự kiện: Thời sự

Chỉ chậm khoảng một tháng, khi website www.panoramio.com bị đóng thì thông tin về việc tìm kiếm vị trí hố chôn tập thể 153 liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa sẽ khó thực hiện được. Mọi chuyện đến với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng như một cơ duyên.

Hành trình kiến trúc sư tìm mộ liệt sĩ tập thể ở sân bay - 1

Sáng 12/7, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tham dự lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân năm 1968 - (ảnh: TTO)

Từ đam mê sưu tầm ảnh công trình, quân sự…

Trưa 13/7, vừa từ sân bay Tân Sơn Nhất về, anh Nguyễn Xuân Thắng (người đã treo bức không ảnh trên trang website www.panoramio.com giúp tìm ra manh mối và xác định được vị trí hố chôn tập thể các liệt sĩ hi sinh tại sân bay Biên Hòa năm 1968) cho chúng tôi biết, các lực lượng quân đội vẫn đang tích cực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khu vực phía Tây của sân bay.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1973, quê Điện Bàn, Quảng Nam - nơi từng là “chảo lửa” trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Anh Thắng có người cậu ruột hy sinh ở Quảng Nam năm 1972, anh và gia đình cũng đi tìm kiếm mộ phần rất nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy. Khát vọng tìm kiếm hài cốt người cậu liệt sĩ luôn canh cánh trong lòng vị kiến trúc sư.

Sáng 12/7, tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai đã diễn ra lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa vào đêm 31/1/1968. Có 23 tỉnh, thành phố xác minh được 72 trường hợp có danh sách liệt sĩ địa phương đang quản lý trùng khớp, trong đó có 6 liệt sĩ không còn thân nhân và 66 liệt sĩ có thân nhân đã được UBND tỉnh Đồng Nai mời vào dự lễ truy điệu.

Anh Thắng cho biết, từ thuở nhỏ đã rất thích máy bay, lớn lên theo ngành thiết kế, xây dựng và đam mê chụp ảnh, thích xem và sưu tầm các bức ảnh xưa, định vị các bức ảnh, công trình kiến trúc… “Lính Mỹ có điều kiện kinh tế, họ chụp và share rất nhiều ảnh trên internet, trong đó chủ yếu là các bức hình về căn cứ quân sự, bởi họ có nhiều kỷ niệm muốn chia sẻ. Tôi đã sưu tầm và đưa lên các trang mạng khoảng 15.000 bức ảnh, khoảng 2/3 trong số đó là ảnh của lính Mỹ. Ngoài ra, tôi cũng sưu tầm và đăng rất nhiều bản đồ cũ, bản đồ quân sự…”, anh Thắng cho hay.

Theo kiến trúc sư Thắng, mục đích ban đầu của việc sưu tầm và đăng các ảnh kiến trúc, công trình, căn cứ quân sự, bản đồ… không phải để phục vụ cho tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, hàng nghìn bức ảnh treo trên mạng đó lại có sức hút mạnh mẽ đối với các quân nhân, các cựu chiến binh tham gia, chia sẻ và bình luận.

“Một phần câu chuyện là từ các bức ảnh cũ sưu tầm trên internet. Trên mạng, ảnh thì rất nhiều, nhưng để phân lập được ảnh có nội dung mong muốn phải vượt hàng núi ảnh quảng cáo... Muốn tìm được, cần phải nghĩ ra các từ khóa thật “độc” để loại bỏ. Chẳng hạn như từ khóa “đường băng Tân Sơn Nhất, vào Google gõ sẽ cho ra hàng tỷ kết quả. Tôi loại bỏ bằng cách chọn từ “Tân Sơn Nhứt”, từ khóa này trước giải phóng người miền Nam hay dùng…”, anh Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, vị kiến trúc sư cũng cho hay, việc xác định các địa danh mà lính Mỹ gọi bằng tiếng lóng với tên thật cũng rất khó, phải đọc và đối chiếu rất nhiều tài liệu mới biết được. Chưa kể các địa danh trước kia và sau này thay đổi rất nhiều. Để biết chính xác vị trí đã chụp các bức ảnh có khi phải mất thời gian rất nhiều năm, phải đối chiếu nhiều hình ảnh, bản đồ, không ảnh và ảnh vệ tinh. Nhiều lúc phải hỏi cộng đồng trên internet xác định, kiểm chứng giúp. Đôi khi bằng cả cách “cùn” là cứ đưa lên khu vực nghi vấn, để hy vọng có ai đó thấy, biết... phản biện rồi sau đó phân tích lại.

Hành trình kiến trúc sư tìm mộ liệt sĩ tập thể ở sân bay - 2

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng

Và hành trình đi tìm mộ liệt sĩ

Cho đến một ngày (9/10/2016), người cựu binh Mỹ Bob Connor sau một cuộc gặp mặt với các đồng đội cũ từng tham chiến ở Việt Nam, trở về nhà Bob tình cờ vào trang www.panoramio.com và bình luận về bức không ảnh mà anh Thắng đã treo từ năm 2009. Anh Thắng cho hay, bức ảnh đó do anh em đi thả dù chụp và mình sưu tầm được rồi đưa lên mạng. Nội dung comment của Bob (sau này anh Thắng nhờ ông Chế Trung Hiếu - một cựu chiến binh ở Hải Phòng dịch nhắc đến lô cốt Hill 10 - nơi từng xảy ra trận chiến dữ dội ngày 31/1/1968 và có 153 bộ đội Việt Nam hy sinh, 2 ngày sau được chôn cất trong một hố tập thể ở đường băng…

Từ manh mối sau bình luận của Bob Connor về bức không ảnh, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã tiến hành bắt tay ngay vào việc tìm đọc tài liệu, thu thập thêm nhiều thông tin để cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Ông tìm thêm được hai bức ảnh trong đó có một bức trong và một bức sau trận đánh. Đồng thời, kiến trúc sư Thắng cũng nhờ ông Chế Trung Hiếu liên lạc và trao đổi thường xuyên với Bob qua email.

Sẽ tìm mộ liệt sĩ trên 4ha sân bay Tân Sơn Nhất

Sau 6 ngày thăm dò, tìm kiếm, dấu tích khu mộ tập thể các liệt sĩ (thứ hai) ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa xuất hiện. Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM nhận định: Đã gần 50 năm, địa hình, địa vật và cả cách xác định tọa độ có những thay đổi nên khó xác định. Thiếu tướng Nghĩa cho biết, dự kiến sẽ tìm kiếm mộ các liệt sĩ trên diện tích khoảng 4ha, với hai máy đào, thời gian đào và bóc tách di vật trên diện tích này mất ít nhất là một tháng.

Trước đó, trong các ngày 11 và 12/7, đội quy tập hài cốt liệt sĩ (Đoàn K70, Quân khu 7) đã phát hiện những di vật trong khu vực tìm kiếm tại sân bay Tân Sơn Nhất như mũ tai bèo, vỏ đạn, dép cao su, cáng thương, thậm chí cả mảnh xương sọ, xương cẳng tay. Hiện, đội quy tập tiếp tục mở rộng hiện trường với hi vọng tìm thấy hố chôn tập thể các liệt sĩ.

Bob Connor đánh dấu khu vực hố chôn các chiến sỹ hy sinh trên tấm ảnh, nhưng người cựu binh Mỹ đó lại không trực tiếp chôn mà cho biết có một người trực tiếp làm việc đó chính là Đại tá Martin Estrones (từng là chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa). Từ lời giới thiệu của ông Bob, ông Hiếu ngỏ lời đề nghị ông Martin Estrones xác định ví trí qua email, tuy nhiên vị cựu binh Mỹ nói sẽ trực tiếp đến tận nơi chỉ chỗ. Giữa tháng 3/2017, hai cựu binh Mỹ bay sang Việt Nam và trưa 17/4, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy túi ni lông bọc thi thể các liệt sĩ cùng nhiều hài cốt, kỷ vật trong một hố chôn tập thể ở sân bay Biên Hòa.

Sau 27 ngày đào tìm, thêm 10 ngày khai quật, lượm lặt từng mảnh vụn, cuối cùng các lực lượng phối hợp tìm kiếm đã hoàn thành công việc thiêng liêng cao cả đối với những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. “Hôm tìm được những hài cốt đầu tiên phía tỉnh Đồng Nai điện cho tôi xuống. Nhìn thấy các chiến sĩ bốc lên những hài cốt đầu tiên, tôi xúc động không biết tả sao. Vừa mừng, vừa tủi, vừa thương. Sau 42 năm ngày giải phóng nhưng các anh vẫn còn nằm ở đây, dưới lòng đất lạnh lẽo mà gia đình không hay biết”, mắt anh ngân ngấn nước.

Anh Thắng cho biết, sau khi mộ tập thể khoảng 150 chiến sĩ tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy ngày 13/4 (cũng từ tài liệu của anh và cộng sự), nhóm anh vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong quá trình tìm kiếm thông tin về mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, Anh Thắng thấy một số hình ảnh liên quan đến mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, vì cùng thời điểm năm 1968.

Manh mối đầu tiên là bức ảnh trắng đen có tấm bảng ghi nơi chôn cất quân giải phóng trong trận đánh đêm mùng 1 Tết Mậu Thân với nội dung kèm theo: “Ngôi mộ có 157 thi thể bộ đội Việt Nam”, vị trí nằm ở đầu phía Tây khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giữa 2 đường taxiway (đường lăn). Phía Mỹ sử dụng máy ủi đào một đường hào rộng để chôn cất các thi thể, sau đó phủ đất lên. Anh Thắng cùng các cộng sự cũng tìm thấy trên internet một bức ảnh có nội dung tương tự nhưng có điểm khác nhau là “ngày mùng 2 Tết Mậu Thân”. Từ đó, nhóm của anh nghi ngờ trong sân bay Tân Sơn Nhất có 2 khu mộ tập thể của bộ đội.

Đại tá Martin Estrones sau đó cung cấp một số tấm ảnh vệ tinh sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm 1/2/1968, 14/2/1968 và nhiều bức vẽ, sơ đồ sân bay có đánh dấu hố chôn tập thể 157 chiến sĩ hy sinh ngày 31/1. Trong đó, có bức ảnh đầu phía Tây sân bay do Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi cất cánh trên đường băng 07L-25R (được cho là ngay sau trận Mậu Thân). Trong ảnh thấy rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4-5h. Phía trên bên phải là đường QL1 - nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay. Anh Thắng cho biết, từ các thông tin có được, anh đã tổng hợp và gửi cơ quan chức năng xem xét tổ chức tìm kiếm mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Giờ đây, khi các liệt sĩ hi sinh ở sân bay Biên Hòa đã được truy điệu, an táng về đất với đất mẹ, anh Thắng cảm thấy lòng nhẹ nhàng phần nào. Việc tìm kiếm ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng bắt đầu có những manh mối khiến anh hồi hộp, mong ngóng từng ngày. Vị kiến trúc sư cũng cho hay, hiện tại, ở bên kia bán cầu, cả Bob Connor và Martin Estrones vẫn đang liên lạc với các cựu binh Mỹ khác để tiếp tục tìm kiếm các khu mộ tập thể bộ đội Việt Nam ở ngoài hàng rào sân bay Biên Hòa và ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Toàn cảnh tìm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất

"Dùng tay bóp từng cục đất để tìm kiếm hài cốt các anh" - Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Tư - Mai Huyên (Báo giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN