Chàng trai Bùi Ngọc Quý (23 tuổi, Gia Lai), một con người đầy nghị lực, ý chí, có tấm lòng nhân ái, vừa kết thúc chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt 1.800km từ TP.HCM ra Hà Nội, quyên góp được hơn 128 triệu đồng để xây phòng sinh hoạt bán trú mầm non tặng cho những trẻ em nghèo vùng cao.
Tối 9/7/2020, Bùi Ngọc Quý, chàng trai 23 tuổi ở thôn Hoàng Tiên, xã La Phìn, huyện Chưprông, Gia Lai, đã kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt gần 1.800km, trong 45 ngày từ cầu Sài Gòn (TP.HCM) ra Lăng Bác (Hà Nội).
Đáng nói, hành trình này của Quý càng thêm ý nghĩa khi cậu đã kêu gọi, quyên góp được hơn 128 triệu đồng để xây trường cho trẻ em nghèo vùng cao ở Mường Tè, Lai Châu.
Để hiểu rõ hơn về chàng trai này, chúng tôi tìm gặp Quý khi cậu vừa kết thúc hành trình đầy ý nghĩa của mình. Trước mắt chúng tôi, một chàng trai gầy gò với nước da sạm nắng, miệng cười rất tươi.
Nhớ lại quãng hành trình đã qua, Quý kể, trước khi thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt, cậu là nhân viên cắm hoa tại một shop hoa tươi ở TP.HCM, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Thời điểm dịch COVID-19, cửa hàng đóng cửa, mọi người phải cách ly xã hội, Quý ở nhà và đã có suy nghĩ phải làm mới bản thân.
Nghĩ là làm, Quý dành thời gian đọc sách, đọc những hành trình xuyên Việt của anh chị đi trước, sau đó Quý quyết định viết đơn xin nghỉ việc để thực hiện chuyến đi bộ từ TP.HCM ra Hà Nội nhằm thử thách bản thân.
“Khi em viết đơn xin nghỉ việc, chị quản lý không đồng ý nhưng em vẫn quyết định đi. Em muốn trải nghiệm để thư thả đầu óc, để biết mình đang muốn làm gì?”, Quý kể.
Quý có tâm sự với bạn bè về ý tưởng của mình, mọi người đều cho rằng anh bị “khùng” bị “điên, tuy nhiên chàng trai trẻ vẫn bỏ ngoài tai.
“Những người quen biết em, rồi đồng nghiệp và bạn bè của em đều chửi em điên, sao mày tự làm khổ mày vậy? Nhưng em bỏ ngoài tai và cứ vậy đi thôi”, Quý chia sẻ.
Khi quyết định chuyến đi bộ trải nghiệm, Quý cũng giấu, không nói với bố, mẹ và những người thân trong gia đình. Đến khi đi được 2 ngày bố, mẹ mới biết chuyện nhưng cũng không phản đối.
Chuyến đi của Quý bắt đầu từ 4h ngày 25/5/2020, từ nhà trọ ở quận 7 ra đến cầu Sài Gòn (TP.HCM) lúc 5h sáng. Hành trang lúc lên đường của chàng trai trẻ chỉ vỏn vẹn 3 bộ quần áo, 2 đôi giầy thể thao, 5 đôi tất dài, 1 cục sạc dự phòng, điện thoại, mũ, ba lô và không đem theo tiền.
Quý cho biết, chuyến đi 0 đồng là một thử thách mà cậu tự đặt ra cho bản thân để trải nghiệm và bắt buộc mình phải vượt được qua được khó khăn đó.
Quý thường phụ việc ở các quán để đổi lấy đồ ăn. Kỷ niệm khiến Quý nhớ nhất là, đoạn cuối tỉnh Bình Định gần sang đất Quảng Ngãi, Quý đi từ sáng đến tối. Vừa đói, vừa mệt, người sắp lả, trời lại tối, xung quanh đường vắng không bóng người.
Phía trước là một con đèo nho nhỏ, lúc này, Quý gặp mấy chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ nên đã đánh liều ra trình bày chuyến đi của mình để xin ăn.
Một cán bộ CSGT nói với Quý đang đi làm nhiệm vụ, không có đồ ăn. Tuy nhiên, sau đó, cán bộ này tìm quanh trong xe, may mắn còn một chiếc bánh bao. Đón chiếc bánh bao đó, Quý ăn ngon lành, vì cả ngày chưa có gì bỏ bụng.
Mỗi ngày Quý xuất phát từ 3h - 4h sáng, đến khoảng 11h -12h trưa, sẽ kiếm chỗ nghỉ trưa. Tới chiều 16h-17h Quý đi tiếp, khoảng 19h30-20h, Quý xin ngủ tại nhà dân, nếu không xin ngủ được thì tầm 22h30 Quý sẽ kiếm cây xăng xin tắm rồi kiếm chỗ ngủ.
“Em nghĩ đến chuyện phơi đồ cũng hay, em vừa đi vừa phơi đồ trên tay luôn, lấy tay vẩy quần áo vài tiếng là khô”, Quý chia sẻ.
Về vấn đề xin ngủ đối với Quý lại thì thực sự khó khăn. Bởi những người dân họ cũng không biết Quý là ai, họ sợ bị lừa đảo, trộm cắp…
“Đường là cái giường của em, ghế đá, thềm nhà dân, cà phê võng hay bất cứ chỗ nào cảm thấy đặt lưng được là em có thể ngủ”, Quý cười nói.
Những ngày đầu chuyến đi, đôi chân Quý không tránh khỏi bị phồng rộp, đau cơ, nhiều lúc không bước nổi. Nhưng Quý vẫn giữ tinh thần lạc quan vì được mọi người ủng hộ.
Mỗi ngày, trung bình Quý đi bộ từ 12-15 tiếng. Thậm chí, có ngày Quý đi bộ suốt 22 tiếng (gần 80 km/ngày).
“Em may mắn em đi bộ đúng đợt nắng nóng cao điểm, không gặp mưa, nếu có mưa chỉ khoảng 10 phút là tạnh”, Quý nói.
Ngày 2/6/2020, khi đi đến Phan Rang (Ninh Thuận), sau 8 ngày đi bộ và suy nghĩ Quý quyết định kết hợp làm điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội trong hành trình từ Nam ra Bắc lần này.
Nung nấu ý định gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng cao từ lâu, nay mới có dịp thực hiện, Quý lên mạng tìm hiểu xã Mù Cả, một trong những xã nghèo của huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi đây cách thị trấn 70km, giao thông đi lại khó khăn.
Để xây dựng kế hoạch cụ thể, Quý đã liên hệ lên huyện Mường Tè và gặp được chị Tâm Vũ, một cán bộ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện. Hai chị em trò chuyện, chị Tâm Vũ đã định hướng cho Quý nên xây dựng một phòng sinh hoạt bán trú mầm non vì điều kiện học tập của học sinh ở đây rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, số tiền dự tính là 120 triệu đồng.
Khi nhận được sự góp ý, Quý bắt đầu mày mò viết bài đăng lên Facebook chia sẻ về chuyến "Đi bộ xuyên Việt gây quỹ ủng hộ trẻ em miền núi" kèm theo số tài khoản ngân hàng của Quý.
Mới đầu, khi bài viết được đăng tải, Quý nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ mọi người. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm trái chiều cho rằng Quý lừa đảo. Thậm chí, có nhiều người vào bình luận chửi, mắng bằng những lời lẽ tiêu cực, khó nghe khiến Quý bị suy sụp đến đổ bệnh.
“Mấy ngày đầu áp lực lắm, người ta mắng, người ta chửi em, cảm giác lúc đó rất buồn và hụt hẫng. Em không nghĩ, làm từ thiện nó lại khó như vậy, thậm chí em muốn bỏ về”, Quý bồi hồi nhớ lại.
Tuy nhiên, sau đó được mọi người động viên, nhớ đến lý do bắt đầu, Quý dặn lòng cứ tiếp tục hành trình để chứng minh cho những người nghi ngờ mình thấy, mình không phải kẻ lừa đảo.
1,5 triệu đồng là số tiền đầu tiên Quý nhận được sau khi đăng bài viết lên Facebook khoảng 1 tiếng. Lúc đó, Quý vui mừng vì đã có người tin tưởng và ủng hộ. Nhưng sau ba ngày, số tiền vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến Quý lo lắng.
Quý cho biết, bản thân không đặt nặng vấn đề tiền bạc vì ý nghĩa của hành trình Quý đang thực hiện đang rất tốt nên chàng trai trẻ vẫn tiếp tục đi. Cứ như vậy, mỗi nơi đi qua, Quý đều ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ bằng điện thoại rồi đăng tải trên Facebook để kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ.
Hàng ngày, ai ủng hộ, Quý đều cập nhật tên tuổi, ghi rõ ràng danh sách lên Facebook và số tiền ngày một tăng dần. Đến tỉnh Bình Định, số tiền ủng hộ xây trường của Quý lên tới 9 triệu đồng. Cũng tại tỉnh này, một kỷ niệm khiến Quý không thể nào quên, sáng ngủ dậy nhận được 72 triệu đồng chuyển vào tài khoản khiến cậu bất ngờ. Đến giờ, Quý vẫn chưa biết là ai đã chuyển cho mình số tiền lớn như vậy.
“Em giật mình không tin là thật, rụi mắt, tát thử vào mặt mình xem có phải đang mơ không. Cảm giác nhận được số tiền lớn đó em rất vui sướng, tạo cho mọi người có một niềm tin ở em”, Quý bộc bạch.
Sau 12 ngày vận động Quý đã kêu gọi đủ số tiền 120 triệu đồng và hiện tại con số đã lên đến hơn 128 triệu đồng. Lúc đó, cậu đã bật khóc vì vui sướng. Khi nhận đủ số tiền Quý không kêu gọi nữa nhưng vẫn tiếp tục đi bộ để hoàn thành ý nghĩa của hành trình.
Quý chọn nơi kết thúc hành trình của mình là Lăng Bác ở Hà Nội. Quý chia sẻ, hành trình này để lại nhiều kỷ niệm, bài học và những trải nghiệm đầy ý nghĩa, không chỉ giúp cậu thay đổi bản thân trở nên kiên cường hơn mà còn có được những người bạn tốt.
Trong suốt 45 ngày từ TP.HCM ra Hà Nội, chàng trai 23 tuổi đã bật khóc 2 lần. Lần đầu tiên là Quý nhận đủ số tiền 120 triệu đồng và lần thứ 2 là lúc về tới đích ở Lăng Bác (Hà Nội).
“Em không thể nói hết được cảm xúc lúc bấy giờ của mình nhưng khi đặt chân đến Lăng Bác em cảm thấy quá là hạnh phúc”, Quý bày tỏ.
Thông qua chuyến đi, Quý cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, không cần phải là 1 người vĩ đại để làm những điều to lớn, hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhặn nhất và phải sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Từ bỏ công việc với mức lương ổn định để đi trải nghiệm, Quý chưa từng hối hận, luôn biết ơn vì được mọi người giúp đỡ. Ngày 15/7/2020, Quý tiếp tục di chuyển lên Lai Châu, để trao tặng số tiền đã quyên góp được cho học sinh nghèo huyện Mường Tè.
Khi được hỏi vì sao Quý lại quyết định đi bộ xuyên Việt mà không phải là một hình thức nào khác, cậu chia sẻ “em muốn vượt qua giới hạn của chính mình”.
Chàng trai 23 tuổi dự định, sau khi kết thúc chuyến đi sẽ đầu quân cho một công ty khác với những trải nghiệm khác lạ và thử thách mới.