Hành trình 1.800km đưa "ngựa thồ" C-130 về Hà Nội
Máy bay vận tải quân sự của Mỹ hơn 34 tấn được tháo rời, vận chuyển trên 5 xe đầu kéo từ TP HCM ra Bảo tàng Lịch sử Quân sự ở Hà Nội.
Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, được giao tham gia nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển máy bay C-130 về bảo tàng mới đang xây dựng trên đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội.
Trò chuyện với VnExpress, thượng tá Sơn cho biết C-130 là phương tiện vận tải đường không chủ lực có biệt danh "ngựa thồ" của quân đội Mỹ khi tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Máy bay nặng hơn 34 tấn, sải cánh hơn 40 m, chiều dài thân hơn 30 m, cao gần 12 m, 4 động cơ, có thể tải 19 tấn hàng hoặc 64 lính dù, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 70 tấn.
Máy bay vận tải quân sự C-130 đặt tại quảng trường phía trước Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đại lộ Thăng Long. Ảnh: Giang Huy
13 năm trước, khi ông Sơn là cán bộ cấp úy, bảo tàng đã nhận quyết định của cấp trên chuyển giao "ngựa thồ" về trụ sở ở 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, nơi đây không đủ diện tích trưng bày nên máy bay được gửi lại Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân ở TP HCM.
"Phương tiện cỡ lớn như C-130 sẽ cần diện tích trưng bày tối thiểu gấp ba lần kích thước hiện vật. Máy bay có sải cánh rộng, rất khó sắp xếp vị trí phù hợp để khách tham quan", ông Sơn nói.
Khi dự án xây dựng bảo tàng mới được đẩy nhanh, nhiệm vụ đưa "ngựa thồ" về Hà Nội được đặt ra với quyết tâm cao. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm phơi nắng mưa, máy bay đã xuống cấp, hầu hết linh kiện hư hỏng. Công tác sửa chữa, phục hồi rất tốn kém, mất nhiều thời gian và đến năm 2019 mới hoàn thiện. Do vậy đầu năm ngoái, bảo tàng mới triển khai nhiệm vụ vận chuyển C-130 về cơ sở đang xây dựng tại đại lộ Thăng Long.
Quy trình tháo lắp phức tạp
Không giống những hiện vật khác, khí tài có kích thước quá khổ đều phải được vận chuyển bằng đường bộ về bảo tàng. Đơn vị chức năng phải tháo rời các bộ phận của C-130 để chở bằng 5 xe rơ-moóc siêu trường siêu trọng ra Hà Nội. Xe lớn nhất chở thân máy bay 7 tấn, dài 30 m. Hai xe khác chở hai sải cánh và 4 động cơ. Cánh đuôi, càng, lốp và cấu kiện nằm trên hai xe còn lại.
Quy trình tháo máy bay gồm nhiều bước, được thực hiện bởi một êkíp kỹ thuật gần 20 cán bộ, kỹ sư Nhà máy A41, thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân. Họ chịu trách nhiệm cả công đoạn tháo ra cũng như lắp vào khi đến Hà Nội.
Nguyên tắc là tháo đúng các khớp lắp ráp từ nhà máy và hướng dẫn của nhà sản xuất. Khối lượng công việc lớn, các bộ phận cũng rất nặng nên từng thao tác phải cẩn trọng tuyệt đối, tuân thủ quy trình kỹ thuật, không thể làm nhanh hay rút gọn để tránh hư hỏng viện vật. "Những hiện vật này rất quý, nếu hỏng hóc sẽ không thể thay thế", Trưởng phòng Sưu tầm nói.
Nhân viên kỹ thuật tại Nhà máy A41 bắt đầu các bước phục hồi, sửa chữa máy bay C-130. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đầu tiên, cán bộ kỹ thuật khảo sát, đánh giá hiện trạng và chuẩn bị lực lượng, phương tiện. Sau khi thu thập đủ số liệu, các kỹ sư thiết kế riêng giá đỡ kỹ thuật, hệ thống chịu lực bằng thép, cho từng bộ phận máy bay. Mục đích là đảm bảo cánh máy bay nặng đến vài tấn không bị xê dịch khi tháo ra. Sau đó, cánh được tách khỏi thân máy bay nhờ bánh xe gắn dưới giá đỡ.
"Nếu không có giá đỡ đúng tiêu chuẩn, chỉ cần tháo một đến hai con vít sẽ khiến cánh bị xệ, hỏng các khớp nối. Một khi hư hỏng, rất khó lắp lại như ban đầu vì linh kiện đòi hỏi chính xác tuyệt đối", thượng tá Sơn nói.
Việc xếp các bộ phận máy bay lên xe vận chuyển cũng được tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm diện tích, đảm bảo không bị va đập khi qua đoạn đường xấu.
Hơn 10 xe vận chuyển, hộ tống
Đoàn xe hơn 10 chiếc vận chuyển, hộ tống C-130 ra Hà Nội tối 11/10/2023, đúng mùa mưa bão ở các tỉnh miền Trung. Ngoài 5 xe đầu kéo chở các bộ phận máy bay, còn có các xe tiền trạm, công vụ, chở cán bộ hậu cần, kỹ thuật và đôi lúc có cả xe dẫn đường của cảnh sát giao thông hoặc kiểm soát quân sự.
Quãng đường từ TP HCM ra Hà Nội khoảng 1.700 km, nhưng đoàn không thể đi theo lộ trình có sẵn mà phải lựa tuyến tránh khác nhau phụ thuộc điều kiện đường sá. Trước chuyến đi, đơn vị vận chuyển phải khảo sát, đo đạc, ghi chú tất cả chi tiết, cầu cống, biển bảng giao thông trên đường.
Do xe quá khổ, đoàn tiền trạm tìm tuyến đường tránh trạm soát vé, tránh cầu không chịu được tải trọng và tính toán đường dẫn lên cầu đủ rộng để xe cua. "Cân nhắc tất cả yếu tố, tránh trên, tránh dưới, quãng đường kéo dài đến 1.800 km", ông Sơn nói.
Thân máy bay C-130 dài gần 30m đặt trên chiếc xe đầu kéo siêu trường siêu trọng để đưa về Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thử thách lớn nhất là khi đoàn qua các tỉnh Tây Nguyên, đồi núi hiểm trở, dốc quanh co, đường hẹp. Chỉ huy đoàn yêu cầu lái xe giữ đúng tốc độ đã hiệp đồng để đảm bảo an toàn. Xe tiền trạm tăng cường quan sát, chủ động phương án ứng phó các tình huống. "Có những khúc cua, cả đoàn phải xuống xe làm hoa tiêu cho tài xế. Ở những đoạn đường đó, một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm", thượng tá Sơn nói.
Những ngày thuận lợi, đoàn di chuyển 100-200km, nhưng hôm thời tiết xấu, đường quanh co chỉ đi được trên 30km. Xe tiền trạm phải tính toán nơi ăn, nghỉ của đoàn. Khi trời tối, đoàn đưa các xe về bãi đỗ riêng, bố trí lực lượng canh gác để đảm bảo an ninh cho phương tiện và hiện vật.
Việc phối hợp các địa phương, quân khu trên tuyến đường được hiệp đồng chặt chẽ. Khi qua khu vực đô thị, đoàn có thêm lực lượng công an, kiểm soát quân sự hỗ trợ, dẫn đường.
Tối 20/10, sau 9 ngày, tất cả bộ phận của C-130 đã có mặt tại quảng trường Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đại lộ Thăng Long để lắp đặt. Ở không gian ngoài trời không đủ công cụ, phương tiện kỹ thuật tiêu chuẩn hỗ trợ như trong xưởng, bảo tàng phải nhờ các kỹ sư, chuyên gia của Nhà máy A41 phối hợp để hoàn thành công việc. "Họ thuộc các bộ phận, chi tiết máy bay như lòng bàn tay, biết rõ vị trí từng con ốc", ông Sơn nói.
Trưởng phòng Sưu tầm chia sẻ rằng tiếp nhận C-130 về trưng bày ở Hà Nội là mong mỏi của nhiều thế hệ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bởi đây là "hiện vật thể hiện thắng lợi vĩ đại của dân tộc, chiến lợi phẩm quan trọng mà Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được khi đánh thắng cường quốc quân sự như Mỹ".
Các xe đầu kéo vận chuyển máy bay C-130 qua hầm Đèo Bụt , huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Video: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được khởi công từ năm 2020, rộng gần 39 ha. Không gian trưng bày chính là tòa nhà cao gần 36 m, rộng 23.000 m2, gồm 4 tầng nổi và một tầng bán âm. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành giai đoạn một vào tháng 6, gồm các khu vực trưng bày tầng 1 của tòa nhà chính, quảng trường, đài tưởng niệm và hạng mục phụ trợ. Dự kiến cuối năm nay, công trình khánh thành, phục vụ công chúng trong nước và quốc tế.
C-130 là máy bay vận tải hạng trung, thân rộng, chính thức trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ năm 1956. Phiên bản đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là thế hệ C-130 đầu tiên, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Allison T56 ba lá.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Việt Nam thu được 7 chiếc C-130 và đã bổ sung ngay vào lực lượng phục vụ cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.
Hơn 13h ngày 20/2, máy bay vận tải Boeing C17 Globemaster III mệnh danh "ngựa thồ" chở theo phương tiện, đồ dùng và trực thăng Marine One phục vụ Tổng...
Nguồn: [Link nguồn]