Hạnh phúc nảy nở trong lửa đạn chiến tranh

Trong cái không khí hào hùng của những ngày “rực lửa” cách mạng, người dân vùng đất mỏ Quảng Ninh, lại nhắc đến những người lính trong đại đội pháo cao xạ 37 ly Đặng Bá Hát anh hùng. Họ là những người anh hùng không tiếc máu xương ngã xuống, để vùng đất than sáng ngời lên ngọn lửa cách mạng một thời.

Vượt lên tất cả là những câu chuyện về tình yêu người lính lúc bấy giờ đã trở thành một động lực, một sức mạnh để họ chiến đấu và “đỏ ngực” trong ngày toàn thắng…!

Xuất thân khác nhau, những người con của đất mẹ hình chữ S, họ đến với nhau bằng tình yêu đất nước được “tôi luyện” trong “lò lửa” của bom đạn chiến tranh. Có lẽ cũng vì thế mà hai con người trong giây phút sự sống cận kề cái chết, họ xích lại gần nhau hơn từ tình yêu quê hương, đất nước.

Tình yêu chớm nở

Những người lính trong đại đội pháo cao xạ ngày ấy, vẫn khó có thể quên được câu chuyện tình lãng mạn mà sâu sắc của anh lính Vũ Duy Trinh và cô trinh sát tài ba Phạm Thị Thúy.

Chúng tôi tìm về với Thành phố Biển Hạ Long, trong một con hẽm nhỏ, yên bình và lặng lẽ, cái không khí trái ngược với sự ồn ào, tấp nập ngoài đường phố lại là nơi mà sức nóng của hào khí cách mạng năm xưa như đang “hừng hực” trong ngôi nhà bé nhỏ của gia đình ông Vũ Duy Trinh (ở cùng vợ là bà Phạm Thị Thuý tại khu 2, phường Hồng Hải, TP Hạ Long).

Rót ly nước trà đặc mời khách, bà Thúy bảo: “Ông ấy, mấy hôm nay cũng được bạn kè “kéo” đi “họp” vì bảo rằng: “Cái nóng của tinh thần cách mạng năm xưa như “thức dậy” và còn nóng hơn cả cái nắng của đầu thu cuối hạ vậy, nên ông phải đi cho thỏa mái cùng đồng đội…”.

Hạnh phúc nảy nở trong lửa đạn chiến tranh - 1

Di tích trận địa pháo cao xạ 37 ly Đặng Bá Hát năm xưa

Thế rồi, bà Thúy bỏ miếng trầu vào miệng nhai bỏm bẻm, bà kể: Bà Thúy sinh năm 1951, người quê gốc ở tỉnh Thái Bình. Khi bà mới được hơn 1 tuổi thì phải chịu cảnh mồ côi cha. Cụ thân sinh ra bà vốn là Thôn đội phó Việt Minh. Trong một lần chiến đấu dũng cảm chống lại trận càn của giặc vào làng, ông bị giặc bắt, bị hành quyết. Cho đến năm 1960, khi đó bà mới 9 tuổi, mẹ bà cũng gồng gánh và đèo bồng bà đi làm kinh tế mới ở vùng Tây Bắc, rồi tái giá với một người đàn ông khác.

Đến năm cô thôn nữ Phạm Thị Thuý vừa tròn 17 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Sau khi học xong lớp công nhân kỹ thuật, cô một mình bươn chải ra đất Quảng Ninh, rồi xin vào Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) làm việc. Được một thời gian, sau đó vì chiến tranh khốc liệt, cô thôn nữ lúc bấy giờ đã là công nhân Phạm Thị Thuý hăng hái tham gia lực lượng tự vệ. Rồi cô được biên chế vào tiểu đội thông tin thuộc đại đội tự vệ của xí nghiệp và nhanh chóng trở thành một nữ trinh sát giỏi của đại đội.

Ngày đó, vì quá ham mê công việc, lại thường xuyên phải băng qua đêm mưa gió để hoàn thành nhiệm vụ đã phần nào làm giảm đi nét đẹp của người con gái. Rồi bà quen người con trai tên Vũ Duy Trinh (SN 1950, người quê Hưng Yên lên đây lập nghiệp- PV), xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước mà trong những ngày khốc liệt của khói lửa chiến tranh, ông Trinh tình nguyện tham gia vào lực lượng lính cao xạ của đại đội pháo cao xạ 37 ly Đặng Bá Hát anh hùng ngày ấy.

Trong những ngày cùng nhau tham gia huấn luyện, chiến đấu cùng đồng đội, đồng chí để bảo vệ vùng đất mỏ thân yêu. Hai con người đã xích lại gần nhau hơn để cùng ôm súng chiến đấu lại kẻ thù tàn ác, rồi họ yêu nhau.  

Chia sẻ về những giây phút hiếm hoi có thể trò chuyện giữa hai người, bà Thủy vẫn luôn cảm thấy tự hào khi chiếm trọn được tình yêu trong con tim người lính pháo cao xạ “đẹp trai, thật thà, tốt tính…”. Bà tiết lộ: “Mãi đến sau này, mới được biết ông Trinh cảm mến bà không ở nhan sắc mà ở tính tình vui vẻ, dễ gần, trong tập luyện thì hăng say, lại là một nữ trinh sát rất giỏi, thường phát hiện mục tiêu từ rất sớm để anh em pháo cao xạ chúng tôi tiêu diệt địch. Nên ông Trinh vẫn thường sang trao đổi công việc, những câu chuyện từ công việc rồi chuyển nhanh sang chuyện tình cảm giữa hai người từ lúc nào không hay…”

Hạnh phúc đâm chồi ngay trong giây phút cận kề cái chết

Câu chuyện giữa cô Trinh sát ngày ấy với mấy anh em phóng viên chúng tôi đang hào hứng, thì bỗng nhiênchú chó nhà ông bà đứng lên chạy ra ngõ, đuôi quẩy tít. Bà Thúy không nhìn ra cũng biết đó là tiếng xe của ông Trinh đang về, bà nói: “Nó là giống chó ta, tuy nhỏ nhưng mà khôn lắm, nhà tôi nuôi nó thế mà cũng đã được gần chục năm nay rồi, chưa biết cắn ai bao giờ nhưng lại rất tỉnh, thấy người lạ là cắn rống lên, còn người nhà thì cứ ngoáy đuôi chạy ra ngõ đón như mừng lắm ấy. Dù ngày nào cũng chạy theo ông nhà tôi đi dạo…!”

Biết chúng tôi là phóng viên đến hỏi chuyện, ông Trinh chia sẻ: “Hồi đó ngày nào, tôi cũng đi qua chỗ cô ấy ngồi và làm việc rồi thì thi thoảng nhìn trộm bà chút cho khỏi nhớ. Biết mình đã “say”, nên nhiều lúc tôi cũng muốn bày tỏ hết tâm sự của mình, nhưng cứ nhìn thấy Thuý là tôi lại run không nói được lời nào…”

Cho đến ngày 12/7/1972, một ngày đau thương và bi tráng đã đi vào lịch sử. Ngày hôm ấy, máy bay liên tiếp đánh phá dồn dập các mục tiêu trên địa bàn thị xã Hòn Gai, đặc biệt là bến phà Hòn Gai nơi đại đội pháo cao xạ 37 ly của Xí nghiệp Than Hòn Gai đang chiến đấu bảo vệ. Những tiếng gầm rú của máy bay như xé tan bầu trời, những tiếng pháo cao xạ dốc ngược, nã đạn dữ dội lên bầu trời vẫn vang lên giòn giã sau những gầm rú của lũ “chim sắt” bạo tàn.

Đến khoảng 15h45 chiều, hàng chục chiếc máy bay lao vào tiếp tục bắn phá nhà máy nước ngọt, phà Bãi Cháy từ nhiều hướng khác nhau. Lúc ấy, đơn vị tự vệ của 2 người được lệnh chi viện bảo vệ 2 chiếc phà chở đầy người và ô tô chạy trên biển.

Hạnh phúc nảy nở trong lửa đạn chiến tranh - 2

Hạnh phúc trọn vẹn của ông Vũ Duy Trinh và bà  Phạm Thị Thúy sau ngày đất nước thống nhất

Lúc này ông Trinh làm nhiệm vụ bắt tiêu cho khẩu đội pháo nã đạn vào máy bay địch. Mỗi khi có tốp máy bay địch bay vào thì ông lại hô to để các pháo thủ nhả đạn. Nhưng lần ấy, ông đọc lệnh mãi chẳng thấy tiếng súng của khẩu đội mình. Nhắc đến lần thứ 3, không thấy ai trả lời, ông Trinh cáu tiết “Tại sao không bắn?” Tới khi ông Trinh nhìn lại chỉ thấy một cảnh tượng tang thương khốc liệt: “Trời ơi, một cảnh tượng tang thương hiện ra trước mắt tôi. Cả khẩu đội có 7 người thì 5 người bị thương và một người đã hy sinh, xung quanh là máu của đồng đội đã hòa cùng đất và than đen. Tôi chẳng còn biết trời đất gì nữa, vội lao xuống đưa người bị thương đi cấp cứu...”.

Cũng trong thời điểm ấy, cô trinh sát Phạm Thị Thuý đang làm nhiệm vụ liên lạc cho đại đội thì đường dây bị đứt, cô phải băng mình qua làn mưa bom bão đạn để nối lại đường dây thông tin. Lúc hay tin cả đại đội bị máy bay địch bắn phá, nhiều người bị thương và tử vong, Thúy đã như quên đi những tiếng gầm rú của lũ “chim sắt” còn bay lượn trên bầu trời. Cô gái yếu ớt đó lao vào đống đổ nát để kiếm tìm người, rồi gào khóc. Lúc bước chân lên tới nơi, thấy ông Trinh còn sống và đang sơ cứu cho từng người đồng đội của mình, lúc này bỏ qua tất cả sự thẹn thùng vốn có của người con gái đất lúa, Thúy chạy đến và ôm chầm lấy ông Trinh. Không cần một lời nói tỏ tình lãng mạn hay một bông hoa rực rỡ, sau đó họ cùng nhau cứu đồng đội.

Và rồi, tình yêu của cô gái miền đất lúa như thêm sức mạnh cho chàng trai vùng đất nhãn mẽ hơn trong mỗi trận chiến đấu. Thấy ưng nhau rồi về xin phép gia đình hai bên. Khi đó thì hai đứa cũng chỉ hứa với nhau là trong chiến đấu thì sẽ chiến đấu hết mình để bảo vệ vùng mỏ. Khi nào đất nước thống nhất, không còn khói lửa chiến tranh thì 2 đứa sum họp trong một nhà. Bây giờ, cả 3 người con của ông bà đều đã trưởng thành, đều có việc làm ổn định và rất hiếu thảo với ông bà.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Trinh khoe: “Trong đại đội tôi thì ngoài 2 chúng tôi lấy nhau, cùng trận địa ngày ấy còn có 3 cặp khác cũng làm đám cưới sau những năm tháng trực chiến trên trận địa đấy chú ạ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Tôn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN