Hành khách QZ8501 kịp mặc áo phao trước khi tử nạn

Việc một nạn nhân được phát hiện mặc áo phao trên người đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về giờ phút cuối cùng của chiếc máy bay xấu số QZ8501.

Ngày 31/12, một quan chức cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia cho hay một thi thể hành khách chuyến bay QZ8501 mà họ tìm thấy trong sáng nay có mặc một chiếc áo phao trên người, khiến dư luận và các chuyên gia đặt dấu hỏi về những giờ phút cuối cùng của những người trên chiếc máy bay xấu số.

Ông Tatang Zaenudin, quan chức Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Indonesia xác nhận: “Sáng nay, chúng tôi đã vớt được tổng cộng 4 thi thể, và một trong số họ đang mặc một chiếc áo phao”. Tuy nhiên không Zaenudin từ chối bình luận thêm về sự việc này.

Theo các chuyên gia hàng không, việc hành khách mặc áo phao chứng tỏ những người trên chiếc máy bay QZ8501 đã có đủ thời gian để thực hiện các biện pháp khẩn cấp trước khi chiếc máy bay lao xuống biển và chìm xuống đáy.

Hành khách QZ8501 kịp mặc áo phao trước khi tử nạn - 1

Cứu hộ Indonesia đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân, trong đó có 1 người mặc áo phao

Các chuyên gia cũng nhận định rằng chuyến bay QZ8501 rất ít có khả năng phát nổ trên không trung, và điều đó được thể hiện rõ qua những mảnh vỡ đầu tiên của chiếc máy bay mà họ tìm thấy.

Phi công hãng United States về hưu John Cox nhận định: “Với việc người ta phát hiện ra những cánh cửa của máy bay và chụp được hình ảnh thân máy bay lật ngược dưới đáy biển, chứng tỏ chiếc máy bay vẫn còn nguyên vẹn khi đâm xuống nước”.

Ông phân tích tiếp: “Nếu đầu cánh, mũi và đuôi máy bay được tìm thấy trong một khu vực, ta có thể kết luận rằng máy bay không bị vỡ tan trên bầu trời như những gì đã diễn ra với chiếc MH17”.

Chuyên gia Jacques Astre, chủ tịch hãng tư vấn Giải pháp An toàn Hàng không Quốc tế cho biết: “Việc các mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trong một khu vực tương đối nhỏ chứng tỏ máy bay chỉ bị vỡ ra sau khi đâm xuống biển”.

Trong khi đó, ông H.R. Mohandas, chuyên gia quản lý hàng không tại Republic Polytechnic nói: “Việc các thi thể nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí là mặc áo phao cho thấy kết luận trên là đúng. Tuy nhiên việc các mảnh vỡ được tìm thấy rất gần nhau chứng tỏ máy bay đã lao xuống khá nhanh”.

Hành khách QZ8501 kịp mặc áo phao trước khi tử nạn - 2

Một phi công quân sự cầu nguyện trước khi cất cánh tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501

Chiếc máy bay QZ8501 biến mất trên màn hình radar chỉ 45 phút sau khi cất cánh từ sân bay Surabaya của Indonesia. Trước đó 4 phút, phi công đã yêu cầu được tăng độ cao để tránh một cơn bão, điều bình thường mà các phi công hay làm khi gặp thời tiết xấu.

Tuy nhiên một lúc sau, phi công lại yêu cầu cho máy bay từ 9.700 mét bay 11.582 mét mà không giải thích lý do vì sao. Vì sợ va chạm với các máy bay xung quanh, kiểm soát không lưu đã từ chối yêu cầu này và chỉ cho máy bay tăng độ cao lên 10.363 mét.

Khi họ liên lạc lại, họ không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía phi công, và đó cũng là lúc máy bay biến mất trên màn hình radar. Dữ liệu từ cơ quan khí tượng Indonesia cho thấy vào thời điểm đó có mưa nhỏ và mây đen dày đặc ở độ cao 13.700 mét tại khu vực QZ8501 bay qua.

Những đám mây đen này có thể gây ra sấm sét và các hình thái thời tiết nguy hiểm khác cho máy bay như lốc xoáy, gió giật và thậm chí có cả cuồng phong.

Ông Mark Martin, tổng giám đốc hãng tư vấn Martin nhận định: “Khi máy bay tiến vào đám mây đen ở độ cao từ 9.500 mét tới 10.363 mét, nó sẽ thường gặp những luồng gió mạnh thổi từ trên xuống dưới và ngược lại, làm đóng băng các cảm biến tốc độ bên ngoài máy bay, khiến phi công có thể đưa ra những hành động không chuẩn xác và làm máy bay mất kiểm soát, lao xuống với vận tốc 1.500 mét mỗi phút”.

Hành khách QZ8501 kịp mặc áo phao trước khi tử nạn - 3

Những đám mây bão có thể gây ra hiểm họa khôn lường cho máy bay

Trường hợp tương tự đã xảy ra cho chuyến bay 447 của hãng Air France của Pháp, khi nó đâm xuống Đại Tây Dương trong điều kiện thời tiết xấu vì phi công đã hành động sai sau khi cảm biến tốc độ của máy bay bị hỏng vì bị đóng băng.

Chuyên gia Mohandas nói: “Có khả năng trong lúc tránh thời tiết xấu, phi công đã thực hiện một số hành động sơ suất, chẳng hạn cho máy bay vọt lên cao, khiến băng hình thành bên ngoài thân máy bay là làm ảnh hưởng đến hệ thống tự lái”.

Ông này giải thích thêm: “Khi hệ thống tự lái không hoạt động, trong khi các cửa kính và cửa sổ bị băng che kín, phi công sẽ bị mất phương hướng và máy bay có thể lao xuống với vận tốc không thể kiểm soát được”.

Tuy nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán của các chuyên gia, và nguyên nhân cuối cùng khiến QZ8501 gặp nạn chỉ có thể được làm rõ sau khi các điều tra viên tìm thấy hộp đen và phân tích các dữ liệu trong đó.

Cùng với chiến dịch xác định vị trí và trục vớt xác hành khách cũng như thân máy bay, quá trình điều tra có thể kéo dài nhiều tuần lễ mới đưa ra được câu trả lời cuối cùng vén màn bí ẩn đằng sau vụ tai nạn thảm khốc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN