Hang vàng “bủa vây” lớp học

Những ngày đầu năm học bắt đầu, cũng là lúc các thầy, cô giáo tại điểm trường thôn Nà Nôm xã Đường Âm huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang lại phải “gắng” trông các em, với mong muốn năm học này cũng giống như nhưng năm học trước, là không có học sinh nào bị rơi xuống hố vàng.

Từ thị trấn huyện Bắc Mê, chúng tôi vượt gần 70 km cung đường cua tay áo và nhiều dốc tức theo quốc lộ 34, mới đến trung tâm xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Từ xã Yên Thổ, muốn đi vào thôn Nà Nôm xã Đường Âm huyện Bắc Mê còn hơn chục km nữa (vì con đường từ Bắc Mê đến xã Đường Âm bị sạt lở nên phải đi vòng qua đất Cao Bằng).

Một hang vàng đằng sau trường học

Một cung đường đi vòng qua hai tỉnh tuy không dài, nhưng cực kỳ khó khăn, khi xe bán tải chở chúng tôi phải miệt mài lăn từng vòng lốp, mất gần 3 tiếng mới vượt qua từng khúc nguy hiểm để đến được điểm trường Nà Nôm. Nói là điểm trường, thực chất chỉ có mấy lớp học.

Trường này cũng không có bờ rào, không biển báo, mà chỉ có mỗi dãy nhà tranh tre nằm trơ vơ trên sườn núi. Thấy xe ô tô vào gần đến sân trường, trẻ em lớp lớn nhanh chóng bỏ luôn giờ học chạy ùa ra xem ô tô. Các thầy, cô giáo thì bế mấy đứa trẻ nhỏ khóc ầm ĩ, hỏi ra mới biết chúng sợ ô tô lắm, từ bé chưa nhìn thấy bao giờ.

Hang vàng “bủa vây” lớp học - 1

Một hang vàng đằng sau trường học

Thầy Nông Văn Mọc, giáo viên trường Tiểu học Đường Âm – phụ trách Điểm trường thôn Nà Nôm cho biết: “người dân làm vàng quanh điểm trường Nà Nôm đã từ lâu lắm rồi, họ chỉ làm thủ công, không nổ mìn, nên không nguy hiểm cho học sinh.

Những năm trước thì đào phía trước lối vào trường, còn bây giờ lại đào phía sau và cả phía dưới nữa. Chúng tôi chỉ sợ các cháu giờ ra chơi vô ý rơi xuống hố vàng. Tôi đã quán triệt các cô giáo là mỗi khi tan học hoặc lúc nghỉ buổi trưa, các cô giáo phải có trách nhiêm trông nom các em. Chúng tôi cũng đi lấy cây về be chắn, để nghiêm cấm các em bén mảng ra phía đó, chính từ việc quán lý chặt chẽ, đến nay chưa có em nào bị rơi xuống hố vàng”.

Đứng tại sân điểm trường Nà Nôm, thoạt nhìn có hàng chục hố vàng ngay sát lớp học. Có hố chỉ cách mấy bước chân, một công thức chung cho các hố vàng gần điểm trường này là họ đào một hố nhỏ, rồi chui sâu vào trong lòng đất, khoét lấy từng bao tải đất, đá chuyển xuống khe nước dưới chân lớp học, rồi đãi rửa lấy vàng xa khoáng. Sự việc diễn ra đã hơn chục năm, thế nhưng việc ai nấy làm, phía nhà trường cứ dạy học ở trên mặt đất, còn dưới lòng đất là lãnh địa của các phu vàng.

Hang vàng “bủa vây” lớp học - 2

Thầy Mọc đang cùng các em học sinh Nà Nôm trong giờ học

Là những giáo viên cắm bản, hơn ai hết, thầy Mọc và những giáo viên ở điểm trường Nà Nôm hiểu rõ giá trị của “cái chữ” nơi vùng đất xa xôi, hẻo lánh này. Những ngày đầu trường mới thành lập, các thầy cô ở đây phải lặn lội đến từng nhà dân để thuyết phục họ cho con em mình đến trường.

Chính từ sự yêu thương, đùm bọc của thầy, cô giáo tại điểm trường Nà Nôm, học sinh và các thầy cô giáo ngày càng thân thiết hơn, lớp học đều và đủ gữa rừng núi đại ngàn như thế này cũng là một điều hiếm có.

Theo thống kê, điểm trường tiểu học Nà Nôm hiện có 6 lớp học, với gần 50 em học sinh. Trong đó có một lớp mầm non 18 học sinh, và 5 lớp tiểu học là 33 học sinh. Do cách điểm trường chính là Trường Tiểu học xã Đường Âm hơn 13 cây số, nên mọi khó khăn, thiếu thốn trong công tác dạy và học, các thầy cô đều phải chủ động khắc phục.

Do đường xá xa xôi, cách trở nên các giáo viên dạy học tại Nà Nôm, đều ăn ngủ, nghỉ ngay tại điểm trường này. Chỗ ăn ở của giáo viên cũng rách nát, gió lùa 4 hướng và liền ngay cạnh các lớp học để tiện cho việc dạy học.

“Ở đây heo hút nhưng cũng vui lắm anh ạ, có nhiều hôm học sinh ở lại chơi và cùng nấu cơm với thầy cô, các em vui và thích ở lớp, ở trường cũng làm chúng em yêu nghề hơn...”. Lời kể hào hứng của thầy Mọc bỗng dưng chùng xuống. Không khí cả căn phòng bỗng yên lặng.

Tiếp lời thầy Mọc, cô Hoàng Thị Linh chỉ tay ra khu đồi đằng sau trường nói: “Họ đào bới vàng khắp quanh trường, tiếng xe máy đi lại gầm rú cả ngày, có lúc họ còn cãi nhau om xòm, làm thầy cô giáo và học sinh chúng tôi không thể tập trung được”. Cô giáo Bồn Thị Sáu thì rầu rĩ: “Chúng tôi đã nhắc nhiều lần, bảo họ đừng làm gần lớp học, nguy hiểm con trẻ lắm, nhưng họ vẫn cứ làm. Mà họ cũng là người trong thôn, nên chẳng thể nói nặng được. Chỉ có điều, không hiểu họ nghĩ thế nào mà lại đến đây đào vàng quanh trường, trong khi con cái họ vẫn đang học ở đây”.

Ngay sau đó, các cô dẫn chúng tôi ra phía trái lớp học, chỉ cho chúng tôi từng cái hố. Trên khoảng không chật hẹp chưa đầy 1.000 m2, có đến gần chục hố đào vàng. Hố nào cũng có đường kính hơn 1 mét, tròn như cái mâm cơm, nhưng sâu hun hút. Một số hố vẫn còn can nước, chảo đãi, bao tải đựng đất và cả xe rùa chở đất... dụng cụ dùng để đào vàng bỏ tại đó.

Có cây gỗ khá lớn, nó tạo bóng mát cho lớp học, cũng mới bị đốn ngã ngay cửa một hang vàng, để “mở đường” cho việc làm vàng thuận tiện. Lúc chúng tôi đến thì nó vẫn ngổn ngang, lá còn tươi nguyên.

Hang vàng “bủa vây” lớp học - 3

Một cây gỗ mới bị chặt hạ ngay cửa một hang vàng tại điểm trường tiểu học Nà Nôm

"Các anh thấy đấy, những hố này sâu đến hàng chục mét, nếu không may có em học sinh nào ra đây chơi bị sụt xuống hố thì không biết sẽ như thế nào. Có kêu cứu cũng chưa chắc có ai nghe thấy. Đó còn chưa kể trường hợp miệng hang bị sụt. Nếu điều đó xảy ra thì có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra”, một cô giáo lên tiếng.

Thấy một nhóm người đang hì hục kéo đất dưới một hang lên, tôi lân la đến hỏi tên, anh phu vàng này tự giới thiệu là Nông Văn Tiên, nhà ở Nà Nôm xã Đường Âm. Đội của Tiên có 5 người, tất cả đều là người địa phương, đến đây cùng bỏ sức làm ăn chia. Khi hỏi khai thác vàng ngay cạnh trường học này có bị cán bộ xã cấm không? Tiên đã thản nhiên: “Khi nào cán bộ xuống thì đi chỗ khác. Lúc họ đi về thì lại làm tiếp. Cả thôn này làm vàng chứ đâu phải mỗi bọn tôi, họ cấm làm sao hết được”.

Hang vàng “bủa vây” lớp học - 4

Nhóm vàng thổ phỉ của Nông Văn Tiên

Lấy câu chuyện phu vàng chui dưới lớp học để trao đổi với ông Lưu Bá Cường, Chủ tịch UBND xã Đường Âm huyện Bắc Mê được biết: Chủ trương của xã là không cho phép khai thác vàng trái phép trên địa bàn, tuy nhiên nạn khai thác vàng thổ phỉ vẫn lén lút làm. Chúng tôi đã rất nhiều lần cử cán bộ vào kiểm tra, nhắc nhở và cả thu hồi phương tiện nhưng tình hình vẫn cứ tiếp diễn. Những người đào vàng đều ở địa phương, họ thông thuộc địa hình nên rất khó để ngăn cản họ. Còn về nỗi lo của các thầy cô điểm trường tiểu học xã Nà Nôm, ông Cường cũng thẳng thắn cho rằng “vàng tặc” đào các hố khai thác vàng gần khu trường học là có thực, nhưng cũng chưa đến mức nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Hỷ (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN