Hàng vạn trái chủ vụ Vạn Thịnh Phát khóc ròng, mong sớm được giải quyết quyền lợi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều trái chủ vụ Vạn Thịnh Phát cho biết họ từng tin vào sự bảo đảm của Ngân hàng SCB nên đã mua trái phiếu của các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, ngờ đâu...

Theo Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng bán trái phiếu khống cho hàng chục nghìn nhà đầu tư để chiếm đoạt tiền.

Có 4 công ty bán ra 25 gói trái phiếu khống gồm Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Setra, Công ty Sunny World. CQĐT xác định số bị hại là 35.824 người, bị chiếm đoạt 30.081 tỉ đồng.

Do số lượng bị hại lớn, ở nhiều địa phương, CQĐT đã ban hành các quyết định ủy thác điều tra và thu thập thông tin, ý kiến của 25.140 hồ sơ trái chủ (tỉ lệ 70,17%). Tuy nhiên, còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa hợp tác đến trình báo.

Không phải tham lãi suất cao

Không phải tham lãi suất cao

Nói về hoàn cảnh của mình, bà Lâm Thị Thu T (ở Hà Nội, cán bộ hưu trí) cho biết bà mua hơn 1,4 tỉ đồng trái phiếu của Công ty An Đông và Quang Thuận.

Khi vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra, bà rất sốc, cảm thấy “trời đất sụp đổ”. Ngay khi nghe tin khởi tố vụ án, ngày 7-10-2022, bà lao đến trụ sở ngân hàng nhưng bảo vệ không cho bà vào cửa. Chỉ trong vòng 2-3 tháng, bà giảm 12kg, gầy gò và suy sụp, nằm bệt một chỗ. May nhờ gia đình chia sẻ, động viên bà mới dần dần hồi phục.

Bà T chia sẻ, số tiền này vốn gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB, dự định sẽ dùng để trả nợ cho một khoản vay ngân hàng sẽ đến hạn vào tháng 5-2023.

Sau này nhân viên ngân hàng có mời bà chuyển sang mua trái phiếu. Theo lời nhân viên đây là các trái phiếu được ngân hàng bảo đảm và có đặc điểm rút gốc linh hoạt. Khách mua trái phiếu chỉ cần nắm giữ đủ 31 ngày là có thể rút tiền toàn bộ hoặc một phần và vẫn được tính theo lãi suất quy định.

Do bà gửi tiết kiệm thành nhiều sổ, có thời gian đáo hạn khác nhau nên đến thời điểm trả nợ thì có thể mất lãi nếu rút trước hạn. Vì vậy, bà T đã quyết định mua trái phiếu. Nhưng không ngờ chỉ vài tháng sau đã xảy ra vụ án…

Ông Lê Văn Quân và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Ảnh: B.T

Ông Lê Văn Quân và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Ảnh: B.T

Ông Lê Văn Quân, một cán bộ về hưu từng công tác trong ngành tài chính, đã mua hơn 2 tỉ đồng trái phiếu của Công ty An Đông và Công ty Quang Thuận. Các gói trái phiếu này nằm trong số 25 gói trái phiếu Vạn Thịnh Phát đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận lừa đảo.

Ông Quân cho biết bản thân ông và nhiều người khác mua trái phiếu của nhóm Vạn Thịnh Phát đều giống nhau ở chỗ là người gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.

Cũng như bà T, ông Quân là khách quen, đã gửi tiết kiệm ở SCB nhiều năm và được nhân viên ngân hàng mời mua trái phiếu. “Nhân viên ngân hàng vận động rất khôn khéo, nói rằng đây là sản phẩm đã được ngân hàng chọn lọc, bảo lãnh, sẽ được ngân hàng mua lại”-ông Quân cho biết.

“Tôi cũng như nhiều người khác, mua trái phiếu không phải vì lãi cao. Lãi trái phiếu chỉ hơn lãi tiết kiệm 0,8-1%/năm, không đáng kể. Chủ yếu là vì nhân viên ngân hàng giới thiệu đây cũng là hình thức tiết kiệm, do ngân hàng bảo đảm và có tính ưu việt hơn sổ tiết kiệm là cho phép rút gốc linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền khi cần thiết” – ông Quân giải thích.

Theo ông Quân, nhân viên ngân hàng đã vận động khôn khéo, nhấn mạnh các lợi ích sản phẩm nhưng lại không giải thích, giới thiệu các thông tin cần thiết dẫn đến những người như ông hiểu sai lệch.

Vụ việc Vạn Thịnh Phát nổ ra, ông cũng đến ngân hàng rồi đi khắp các cơ quan chức năng. Cũng qua đó mà ông liên lạc với nhiều trái chủ khác để cùng nhau chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình với mong muốn nhanh chóng lấy lại được tài sản.

Theo ông Quân, số lượng trái chủ Vạn Thịnh Phát rất nhiều. Trong giai đoạn điều tra, các trái chủ cùng nhau đơn thư kêu cứu, làm việc với các cơ quan chức năng. Đến nay, khi việc điều tra kết thúc thì các trái chủ mới rõ trái phiếu mình nắm giữ có nằm trong vụ án hay không.

Nhìn chung, một bộ phận trái chủ chỉ nắm giữ các trái phiếu thuộc 25 gói trái phiếu lừa đảo đã được CQĐT kết luận, một bộ phận chỉ nắm giữ các trái phiếu ngoài vụ án nhưng vẫn là trái phiếu do các công ty hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát phát hành. Cuối cùng là nhóm các trái chủ nắm giữ cả hai dạng trái phiếu này.

Cùng nhóm đơn thư với ông Quân, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ở Hà Nội) cho biết đang nắm giữ 10 tỉ đồng các loại trái phiếu được mua qua sự phân phối của Ngân hàng SCB. Đến nay, bà mới xác định các trái phiếu này đã được xác định không nằm trong danh sách 25 gói trái phiếu giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát.

Bà Nhung cho biết công ty của bà mở tài khoản tại Ngân hàng SCB và bà cũng gửi tiết kiệm ở đây. Ban đầu, Ngân hàng có sản phẩm tiết kiệm linh hoạt cho phép rút một phần gốc khi cần, lãi suất vẫn được giữ nguyên. Sau này, ngân hàng dừng cung cấp sản phẩm này và đưa ra sản phẩm trái phiếu.

Theo lời nhân viên ngân hàng thì đây là sản phẩm thay thế sản phẩm tiết kiệm nói trên. Do cần dòng tiền linh hoạt để phục vụ kinh doanh nên bà quyết định chuyển sang mua trái phiếu.

Việc bị “chôn” 10 tỉ đồng trái phiếu ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của công ty, mất nguồn vốn lưu động, bà Nhung phải thu hẹp kinh doanh, hoạt động cầm chừng và chờ đợi việc giải quyết vụ án.

Người mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát mong sớm được giải quyết quyền lợi

Mong muốn ưu tiên người yếu thế

“Chúng tôi theo dõi sát sao diễn biến vụ án, kể cả giai đoạn 1. Một nhóm trái chủ chúng tôi đã có đơn thư gửi tới TAND TP.HCM, TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Cấp cao tại TP.HCM và đề nghị giải quyết quyền lợi cho các bị hại mua trái phiếu cả gốc và lãi” -ông Quân nói.

Lý do ông Quân cho rằng các trái chủ cần được trả lãi là vì các công ty phát hành trái phiếu vẫn đang hoạt động, có tài sản.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 đã được xét xử sơ thẩm vào hồi tháng 3, tháng 4-2024. Bản án sơ thẩm có nêu: Đối với các tài sản, khoản tiền mà HĐXX xác định để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án là bao gồm vụ án này và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo nhưng ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu.

Ông Quân cho biết nhóm ông rất mừng với quyết định này của Tòa án. Ông mong muốn khi xét xử phúc thẩm, Tòa án sẽ làm rõ hơn nội dung ưu tiên này. Ông Quân đề nghị có sự ưu tiên khi thi hành án đối với những cá nhân nhỏ lẻ là người yếu thế, không phải là tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ngoài ra, đối với các trái chủ không thuộc vụ án này, nhóm ông Quân mong muốn cơ quan chức năng hủy bỏ các lệnh phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản để các công ty có điều kiện chi trả cho trái chủ.

Theo kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bị can Võ Tấn Hoàng Văn, khi đó với vai trò Tổng Giám đốc, điều hành chung hoạt động của ngân hàng SCB, bị can đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của ngân hàng xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên tại 239 chi nhánh trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị mời chào khách hàng mua trái phiếu.

CQĐT đã thu về hơn 25.000 hồ sơ trái chủ mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát nhưng vẫn còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa đến trình báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÙI TRANG ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN