Hàng trăm nhân viên tuyến Cát Linh-Hà Đông bỏ việc, đơn vị vận hành nói gì?
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tính lũy kế từ năm 2015 đến nay, có khoảng 28% nhân viên được tuyển dụng cho dự án xin nghỉ việc.
Theo đơn vị tiếp nhận khai thác vận hành, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đảm bảo đủ nhân sự phục vụ khai thác vận hành
Liên quan đến thông tin về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có khoảng 28% trong tổng số gần 1.000 nhân viên được đào tạo để vận hành đã bỏ việc, ngày 16/11, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đây là con số được tính lũy kế từ năm 2015.
“Sau khi được tuyển dụng, đào tạo theo chương trình của dự án, từ năm 2015 đến nay, do trong quá trình chờ dự án đưa vào khai thác, vận hành, có những trường hợp nhân viên đã xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Tính lũy kế có khoảng 28% nhân viên xin nghỉ, hầu hết là vị trí lao động phổ thông và đều đã được tuyển dụng, đào tạo bổ sung. Hiện tại, bộ phận nhân sự kỹ thuật đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng khai thác, vận hành dự án”, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận khai thác dự án) nói và cho biết, không có trường hợp lái tàu nào xin nghỉ việc.
Theo thiết kế, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bố trí 681 nhân sự tham gia khai thác, vận hành tuyến đường, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...
Về thời gian vận hành khai thác thử 20 ngày liên tục để nghiệm thu dự án trước khi đưa vào khai thác, vận hành chính thức, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, hiện đề cương chạy thử đang trong quá trình được tư vấn thẩm tra nên chưa xác định thời gian cụ thể bắt đầu vận hành khai thác thử.
Sau khi vận hành khai thác thử, dự án phải được nghiệm thu nhà nước và cấp chứng nhận an toàn hệ hống mới có thể đưa vào khai thác vận hành. Sau khi đạt yêu cầu về vận hành khai thác thử, dự án được nghiệm thu nhà nước và cấp chứng nhận an toàn hệ thống mới có thể đưa vào khai thác vận hành chính thức.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu từ ga Cát Linh, điểm cuối đến ga Yên Nghĩa. Dọc tuyến có 12 nhà ga trên cao gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa.
Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chở gần 1.000 khách, vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác thương mại 35km/giờ. Các đoàn tàu chạy bằng điện, với thiết kế tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong gần 1000 người được đào tạo để vận hành đường sắt trên cao có 28% đã nghỉ việc vì chờ đợi quá lâu. Cử...