Hàng trăm người phơi mình dưới nắng gia cố cầu Long Biên
Hàng trăm công nhân thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm việc ngày đêm để gia cố, khắc phục trước sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu Long Biên (Hà Nội). Đợt đại tu dự kiến kéo dài đến hết năm 2015.
Trước sự xuống cấp của cầu Long Biên (Hà Nội), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã huy động các đơn vị dày dặn kinh nghiệm, thay nhau làm 3 ca. Dự kiến trong năm nay, cầu Long Biên sẽ được sửa chữa xong với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, giao thông đô thị đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, gia cố bảo đảm an toàn cầu, phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Gai đoạn 2, đầu tư khôi phục, cải tạo cầu Long Biên, phục vụ đường bộ đô thị, sau khi Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 ( Yên Viên – Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 14.7, có hàng trăm công nhân chia thành từng tốp sửa chữa, gia cố dọc cầu Long Biên. Một kĩ sư có mặt tại công trường cho biết, do khối lượng công việc lớn nên dù trời nắng vẫn phải làm để kịp tiến độ.
“Khôi phục cầu Long Biên đòi hỏi tỉ mỉ từng chút, phải đo đạc từng thanh sắt ngay tại cầu. Khó nhất là đoàn giữa cầu, phải làm nhanh không mùa mưa nước lên thì không thể làm được” – một kĩ sư cho biết.
Cầu Long Biên được xây dựng và đưa vào khai thác đã hơn 110 năm, nhiều hạng mục của cây cầu đã bị han rỉ, nhiều nhịp cầu võng, xệ.
Để đảm bảo tiến độ cũng như yêu cầu kĩ thuật, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã huy động nhiều công nhân có tay nghề bậc 4 trở lên, thay nhau thi công ngày đêm
Những thanh tà vẹt bị mục, ốc vít han rỉ sẽ được loại bỏ
Những thanh sắt mới được cắt tại công trường dưới chân cầu và được đưa ngay vào lắp ráp
Để đưa các thanh tà vẹt mới xuống đường ray, các công nhân phải dùng 2 máy gắn sắt vào đường ray để nâng đường ray lên
Những thanh tà vẹt bị mục nát sẽ bị gỡ bỏ, thay vào đó là những thanh tà vẹt mới bằng gỗ táu
Đợt thay mới này, toàn bộ ốc vít cũ mòn sẽ bị loại bỏ, ốc vít nào còn dùng được công nhân sẽ làm mới để tận dụng. Các ốc vít được làm mới ngay tại công trường trên cầu Long Biên
Trước đó, với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, mỗi năm đơn vị duy tu bảo dưỡng cầu Long Biên chỉ có thể làm những việc đơn giản như cạo rỉ sắt, thay thế, gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu...
Đợt này, với tổng kinh phí sửa chữa gần 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, cầu Long Biên được khôi phục rất nhiều hạng mục.
Sau khi hoàn thiện, các công nhân phải dùng cát cho vào một máy thổi để làm sạch cầu
Đơn vị thi công vừa đảm bảo tiến độ nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện thường xuyên qua đây
Dự kiến đợt thay thế này, hơn 2000 thanh tà cũ sẽ được thay thế bằng những thanh tà vẹt mới
Những thanh sắt của cầu Long Biên được các công nhân, kĩ sư cắt theo khuôn mẫu sau khi đã đo đạc ngay tại cầu