Hàng trăm HS đi chân trần lên mảnh thủy tinh để rèn… tự tin
Ngày 23.8, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh học sinh đi chân trần vượt qua đoạn đường trải mảnh vỡ thủy tinh sắc nhọn. Nhiều người đã không khỏi giật mình, sợ hãi khi xem hình ảnh này.
200 học sinh đăng ký đi trên thủy tinh sắc nhọn
Hình ảnh trên được ghi lại tại trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên ngày 24.8, cô giáo Nghiêm Hoàng Ngân, Tổng phụ trách đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, người phụ trách lớp học kỹ năng sống của trường cho hay, trong ngày 22 và 23.8, trường có phối hợp với một trung tâm dạy kỹ năng sống ở Hà Nội tổ chức lớp học thực hành về kỹ năng sống cho học sinh lớp 6 với nhiều hoạt động khác nhau.
Trong đó có bài tập trải nghiệm, học sinh đi chân trần vượt qua đoạn đường trải mảnh thủy tinh để rèn luyện sự tự tin, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Đây là hoạt động ngoại khóa, không nằm trong chương trình học. Học sinh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
“Các em học sinh lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6 học chắc chắn có nhiều bỡ ngỡ, chưa có sự đoàn kết. Do vậy, thông qua các hoạt động trên, trường muốn các em học sinh gắn kết, đoàn kết cùng nhau vươn lên trong học tập. Thêm nữa, các em vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, rèn được tính tự tin”, cô Ngân chia sẻ.
Học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương đi trên thủy tinh để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân (Ảnh từ Facebook)
Cô Ngân cho biết, năm nay, trường có 500 học sinh lớp 6, trong đó có 200 học sinh đăng ký bài tập trải nghiệm đi qua đoạn đường có thủy tinh để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Kinh phí 350.000 đồng/học sinh (bao gồm cả ăn uống). Học sinh đăng ký sẽ học trong 2 ngày (thứ 7 và Chủ nhật).
“Ngày hôm qua (23.8), trường đã phối hợp với trung tâm dạy kỹ năng sống ở Hà Nội cho các em học sinh thực hiện bài tập trải nghiệm trên. Có khoảng 100 học sinh đã thực hiện bài tập. Số học sinh còn lại sẽ thực hiện vào thứ 7 và Chủ nhật tới. Sau buổi học, các em học sinh rất hào hứng và thấy tự tin hơn. Các em không gặp một sự cố đáng tiếc nào”, cô Ngân nói thêm.
Theo cô Ngân, ngoài giúp học sinh vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân qua các bài tập trải nghiệm, hoạt động, học sinh còn học thêm được kỹ năng sống, hoạt động theo nhóm, đoàn kết, gắn bó với nhau trong quá trình học tập.
90% học sinh dám đi trên thủy tinh
Bà Dương Kim Tuyến, Giám đốc Trung tâm chuyên giáo dục kỹ năng sống ở Hà Nội, (đơn vị phối hợp với trường THCS Nguyễn Tri Phương thực hiện bài trải nghiệm trên) cho hay, các em học sinh tham gia bài tập trải nghiệm sẽ phải vượt qua đoạn đường trải mảnh vỡ thủy tinh dài khoảng 60cm (dày khoảng 3cm). Trong quá trình thực hiện, hai nhân viên của trung tâm sẽ đứng bên cạnh đỡ tay các em học sinh để giảm bớt lực từ bàn chân đè xuống đống thủy tinh, đồng thời động viên học sinh vượt qua thử thách.
“Trong hai ngày 22 và 23.8, 100 học sinh tham gia bài tập trải nghiệm thì có tới 90% em dám đi qua đoạn đường có mảnh vỡ thủy tinh. Sau bài tập, phần lớn học sinh hào hứng, tự tin hơn. Không có sự cố nào xảy ra khi học sinh thực hiện bài tập trải nghiệm trên”, bà Tuyến chia sẻ.
Theo bà Tuyến, trước khi thực hiện bài tập trải nghiệm đi trên thủy tinh, nhiều học sinh sợ sệt, rụt rè. Tuy nhiên, sau khi thấy thầy cô, bạn bè vượt qua đoạn đường có mảnh vỡ thủy tinh, học sinh đã tự tin hơn, dám vượt qua thử thách này.
“Các em học sinh khi bước vào lớp 6 chưa hề quen nhau, do vậy, thông qua bài trải nghiệm, chúng tôi mong muốn học sinh thay đổi suy nghĩ, giúp các em có thêm động lực trước khi bước vào năm học mới. Đặc biệt, còn giúp cho học sinh luôn kiên trì, giữ vững mục tiêu, không bao giờ bỏ cuộc; biết yêu thương bố mẹ, quý trọng những gì mình đang có”, bà Tuyến chia sẻ.
Mảnh vỡ thủy tinh được dùng trong bài tập trải nghiệm dành cho học sinh lớp 6 (Ảnh: Nguyễn Đức)
Bà Tuyến cho biết, mảnh vỡ thủy tinh được đơn vị chọn lựa kỹ, lấy từ chai có độ dày lớn, các cạnh sắc đã được mài. Đặc biệt, các mảnh vỡ thủy tinh được ngâm, tẩy trùng kỹ càng trước khi sử dụng. Trong quá trình thực hiện, các nhân viên đã úp hết các mặt sắc xuống tạo thành một mặt phẳng. Do vậy, khi học sinh làm theo hướng dẫn của nhân viên, sẽ dễ dàng vượt qua.
“Chúng tôi muốn học sinh hiểu rằng, bài học rút ra là học sinh không dám thử nghiệm, sợ đi đầu, học sinh sẽ bị lùi lại đằng sau. Nếu học sinh vượt qua được bài tập trải nghiệm đi trên thủy tinh thì sẽ vượt qua được những thử thách lớn hơn”, bà Tuyến nói.
Bà Tuyến cho biết thêm, trung tâm đã từng phối hợp với nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội thực hiện bài tập trải nghiệm trên. Trong tất cả bài tập trải nghiệm đi trên mảnh vỡ thủy tinh đều có đội ngũ y tế hỗ trợ học sinh khi cần thiết.