Hàng nghìn người dân xẻ núi tìm đá quý: “Có ở đây mới thấy cái mơ nó lớn thế nào”

Sự kiện: Tin nóng Yên Bái

Mấy năm trước, gia đình trải qua biến cố, mắc nợ hơn 200 triệu đồng, anh Quyền vẫn đang mông lung tìm cho mình hướng đi để trang trải nợ nần. Tình cờ nghe được tin ở bãi Bưởi xã Liễu Đô (Lục Yên – Yên Bái) có người đào được viên đá quý 5 tỷ, anh lập tức mang theo hành trang đến đây với giấc mộng đổi đời.

“Có ở đây mới thấy cái mơ nó lớn thế nào”, anh Quyền, người dân ở huyện Lục Yên (Yên Bái), vừa lấy tay gạt đống đất trước mặt vừa chia sẻ.

Huyện Lục Yên những ngày này, ở bất kỳ góc nào, người ta cũng có thể bắt gặp những lời bàn tán xôn xao về những viên đá quý tiền tỷ.

Nổi tiếng là vùng đất của đá quý từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng theo người dân Lục Yên, có lẽ chưa bao giờ cả huyện lại sôi sục lên như dạo gần đây, thậm chí cả những người ở vùng khác cũng ồ ạt kéo tới.

Rất đông người dân đổ xô lên núi “tìm đá quý giá trị 5 tỷ đồng”.

Rất đông người dân đổ xô lên núi “tìm đá quý giá trị 5 tỷ đồng”.

Những ngày đầu tháng 7, đường lên bãi dài gần 3 km còn chẳng có nổi chỗ trống để nghỉ ngơi, họ chia nhau từng mét đất để cày xới. Trẻ con, người già, thậm chí công ty đá R.K kia gần trăm công nhân cũng nghỉ sạch để lên núi tìm đá…

Chị Hoàng Thị Hiền (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) thuộc diện hộ nghèo, quanh năm làm nương rẫy cho biết, nghe thông tin nhiều người kiếm tiền tỷ nhờ đào được đá quý nên hai vợ chồng cũng mong đổi đời. “Chúng tôi mang cuốc, xẻng lên núi đào bới song kết quả nhận được chỉ là vài viên đá nhưng nhìn chẳng khác gì viên đá trẻ con chơi...”, chị Hiền nói.

Sự việc bắt nguồn từ tin đồn vào khoảng tháng 6 rằng có người đào được viên đá quý to bằng ngón tay, trị giá 5 tỷ đồng tại bãi Bưởi, thôn Chính Quân. Theo người dân, viên đá này thuộc dòng Spinel, có màu xanh ngọc bích rất đẹp, thường được dùng để làm đồ trang sức, phong thủy.

Ít ngày sau, hàng chục, hàng trăm rồi cao điểm lên tới hàng nghìn người kéo nhau lên đây đào đá quý với ước mơ đổi đời.

Người dân nỗ lực cho hy vọng đổi đời.

Người dân nỗ lực cho hy vọng đổi đời.

Ông Hoàng Văn Chí cũng là một trong số hàng nghìn người đó. Tuy nhiên, sau 4 ngày liên tục đào xới trên bãi Bưởi, ông Chí đã trở về với đúng công việc đồng áng.

Ông kể: “Ngày 3/7, sau khi đã nghe tin về viên đá 5 tỷ, tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng Lục Yên vốn từng là thủ phủ đá quý nên tôi cũng hạ quyết tâm theo mọi người lên núi tìm vận may”.

Rời nhà từ xã Minh Xuân đi khoảng 5km ông Chí đã tới bãi Bưởi. Đá tai mèo, dốc núi cheo leo không làm khó được một người bản xứ lại đang mang trong mình khát khao đổi đời, nên chỉ sau hơn 45 phút di chuyển ông đã từ chân núi lên tới bãi Bưởi (người không quen đi núi phải mất gần 2 tiếng).

Tìm được vị trí, ông cùng một vài người bạn dựng lán, quyết tâm bám núi chờ ngày đổi đời. Vốn là phu đào đá quý gạo cội ở Lục Yên từ những năm 1990 nên kinh nghiệm giúp ông có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều người.

Người lên núi chủ yếu đi người không hoặc mang theo một chiếc thuổng ngắn, không có máy móc hỗ trợ.

Người lên núi chủ yếu đi người không hoặc mang theo một chiếc thuổng ngắn, không có máy móc hỗ trợ.

Nghỉ trưa xong ông và cộng sự nhanh chóng bắt tay ngay vào việc, kẻ thuổng, người cuốc, người xẻng cứ thế mà đào. Khắp các gốc cây, khe đá đến những chỗ “khả nghi”. Thời tiết mùa hè oi bức khiến ai cũng mất nhiều sức, hết ngày rồi mà chỉ đào lên đá vôi. Đến khi trời tối, mọi người vào lán ăn chút lương khô ngủ lấy sức ngày mai lại đào.

“Nghề đào đá quý không có kinh nghiệm gì hết. Khi đặt cuốc đào thì tất cả chỉ là may rủi, dưới lớp đất, đá có gì hay không chỉ là mơ hồ”, ông Chí thở dài.

Ông Chí bảo, đến Lục Yên hẳn ai cũng được nghe câu “Không lên núi đào đá không phải người Lục Yên”.

Chuyện là, hơn 30 năm trước, đá quý đã từng mang lại cuộc sống sang giàu, đã từng biến nhiều nông dân thành tỷ phú. Lục Yên từ đó cũng được mệnh danh là vùng “đất ngọc”. Đến nay, niềm hi vọng ngày đó lại được nhen nhóm hay nói đúng hơn là bị đồn thổi sẽ trở lại ngay trên bãi Bưởi để người dân hi vọng về một giấc mơ đổi đời sẽ lại quay về.

Chính vì vậy, thông tin mập mờ về viên đá 5 tỷ xuất hiện như giọt nước tràn ly, giấy lên khát khao đổi đời mạnh mẽ của người người, nhà nhà.

Cây cối bị chặt trong quá trình đào bới.

Cây cối bị chặt trong quá trình đào bới.

Sau nhiều ngày đào bới không có kết quả, đến thời điểm hiện tại, hàng trăm người dân đã xuống núi, bỏ lại những khoảnh rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Lục Yên cho biết, thông tin về viên đá quý trị giá hàng tỷ đồng được tìm thấy tại khu vực xã Liễu Đô hoàn toàn chỉ là tin đồn thổi.

Hiện lực lượng chức năng vẫn một mặt ngăn chặn người dân có hành vi đào bới, khai thác khoáng sản trái phép, một mặt tuyên truyền đến bà con ở nhà ổn định làm ăn, tránh mất thời gian công sức chỉ vì những điều không có thật.

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, quản lý khoáng sản là trách nhiệm chung của cả địa phương và các Bộ ngành, trong đó có Bộ TN&MT và Tổng cục Địa chất và khoáng sản.

Vì thế, khi có thông tin báo chí nêu, Tổng cục đã cử một đoàn của Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đi Yên Bái để kiểm tra. Sau khi về sẽ đánh giá lại vùng đó có khả năng sinh quặng như người ta nói hay không.

“Phải kiểm tra và đánh giá lại bằng cơ sở khoa học. Câu chuyện đó có thật hay không. Khi có cơ sở khoa học đánh giá vùng đó có khả năng sinh ra đá quý thì sẽ có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là ở địa phương”, ông Dương cho hay.

Xôn xao cục đá quý 4 tỷ đồng ở Yên Bái: Bộ TNMT đang kiểm tra mỏ còn đá quý không

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn lên Yên Bái kiểm tra khả năng nơi đây còn đá quý không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN