Hàng ngàn vết nứt, sạt lở đất ở tỉnh Lào Cai
Nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai bị chia cắt vì xuất hiện hàng ngàn vết nứt, sạt lở, trong đó có 76 thôn ở 37 xã đang bị cô lập, người dân chưa đi lại được.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lào Cai, tính đến 15 giờ ngày 12-9, toàn tỉnh có 98 người chết, 81 người mất tích và 76 người bị thương.
Đường đến huyện Bảo Hà, tỉnh Lào Cai bị chia cắt vì đất sạt chắn ngang đường. Ảnh: THANH TÚ
Huyện Bảo Yên nơi có thôn Làng Nủ bị lũ cuốn trôi ghi nhận số người thiệt mạng cao nhất với 53 người.
Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 10.377 nhà, trong đó hơn có 533 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 344 nhà thiệt hại rất nặng, gần 2.700 nhà thiệt hại nặng. Số nhà phải di dời khẩn cấp do ngập lụt là 1.274 nhà.
Cùng với đó, có 1.669 khu vực xuất hiện vết nứt, sạt lở. Hiện nay có 76 thôn/37 xã đang bị cô lập, người dân chưa đi lại được do ngập lụt, sạt lở đường giao thông.
Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lào Cai ghi nhận hơn 2.500 ha diện tích lúa bị thiệt hại, hơn 1.100 ha diện tích ngô, hoa màu bị thiệt hại, cùng nhiều diện tích cây trồng khác bị hư hại.
Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương bị thiệt hại lớn nhất do mưa lũ. Ảnh: VÕ TÙNG
Diện tích thủy sản bị thiệt hại là hơn 195 ha; trâu, bò và ngựa bị chết 151 con; lợn, dê và cừu là 68 con, cùng hàng nghìn gia cầm bị chết.
Về giao thông, các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 4, 4D, 279, sạt ta luy dương 246 vị trí, khối lượng sạt là hơn 100.000 m3, sạt ta luy âm 22 vị trí.
Các tuyến đường tỉnh từ 151-162 sạt ta luy dương tại 101 vị trí, khối lượng sạt 105.737 m3, sạt ta luy âm 16 vị trí, ngập úng cục bộ.
Đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở, hư hỏng là 620 tuyến, gây ách tắc 590 điểm, đến nay đã khắc phục được 542 điểm, còn lại 48 điểm.
Về y tế, tỉnh Lào Cai ghi nhận có 18 trạm, phòng khám, bệnh viện bị ngập lụt, cuốn trôi. Về giáo dục, có 67 trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại.
4 trụ sở UBND xã, huyện bị hư hỏng, ảnh hưởng, trong đó có nơi bị sạt lở, cán bộ, công chức phải di chuyển nơi làm việc.
Ngoài ra, có nhiều cầu treo dân sinh bị lũ cuốn trôi, 64 cột điện bị gãy đổ, hơn 30 cột bê tông cáp quang bị thiệt hại, gần 180 cột viễn thông, cáp treo bị gãy đổ.
Hiện nay, lan can đá dọc bờ kè sông Hồng đường An Dương Vương, phường Cốc Lêu, Kim Tân, TP Lào Cai và đường Phạm Văn Xảo, phường Lào Cai có nhiều điểm hư hỏng, bị lũ cuốn trôi.
Thôn Làng Nủ tan hoang sau trận lũ kinh hoàng. Ảnh: THANH TÚ
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai, trong quá trình triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, do lũ dâng cao, bất ngờ, nhu cầu sơ tán lớn, trong khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn có hạn, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu và chưa phù hợp, khu vực người dân bị ngập quá rộng, nước chảy lũ xiết... nên công tác hỗ trợ giúp người dân sơ tán trong khu vực bị ngập úng còn gặp rất nhiều khó khăn...
Thời gian mưa kéo dài, cường độ lớn, lượng mưa nhiều; một số nơi mất điện, mất mạng internet, mất sóng không thể liên lạc.
Theo báo cáo, đến ngày 12-9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn 31 xã bị chia cắt giao thông, khó tiếp cận được với bên ngoài do sạt lở, ngập nước gây chia cắt, việc thống kê thiệt hại ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.
Chiều 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên để chia buồn, thăm hỏi người dân bị thiệt hại do trận lũ kinh hoàng ngày 10-9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ chia sẻ với những gia đình có người thân đã mất, bị thương, còn mất tích và nhấn mạnh đó là mất mát vô cùng to lớn, đau thương.
Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Lào Cai tái lập thôn Làng Nủ trước ngày 31-12.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát hiện dấu hiệu sạt lở, 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, đã chạy lên núi trong đêm, chính quyền địa phương nghi họ mất tích.