Hàng ngàn tỉ đồng chảy vào túi Trịnh Văn Quyết sau đó đi đâu về đâu?
Số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu lời bất chính và chiếm đoạt được sử dụng vào nhiều mục đích như: góp vốn, mua cổ phần, trả nợ, đưa vào kinh doanh, tiếp tục thao túng chứng khoán, sửa nhà...
Liên quan vụ án ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo, trong kết luận điều tra bổ sung, CQĐT làm rõ việc sử dụng tiền chiếm đoạt, thu lời bất chính.
Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng chứng khoán và lừa đảo
Theo đó, VKSND Tối cao đã yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung nội dung: “Tiếp tục xác minh việc sử dụng tiền chiếm đoạt, thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán để thu hồi; xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với các bị can để đảm bảo thi hành án”.
Rút tiền sửa chữa biệt thự
Kết quả điều tra cho thấy ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm mượn danh nghĩa nhiều người lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Sau đó, bà Huế sử dụng các công ty, tài khoản này để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính 723 tỉ đồng.
Số tiền này được sử dụng vào nhiều mục đích. Cụ thể, hơn 122 tỉ đồng được dùng để mua cổ phần của 3 công ty thuộc hệ sinh thái FLC (gồm hơn 83 tỉ đồng mua cổ phần của Công ty CP Hàng không Tre Việt; hơn 29 tỉ đồng vào Công ty Newland Holdings để mua cổ phần Công ty CP FLC Travel; hơn 9 tỉ đồng mua cổ phần của Công ty CP Nông dược HAI).
Có hơn 36 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của vợ và em gái ông Trịnh Văn Quyết. Trong đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Trịnh Quyết là 35,9 tỉ đồng; bà Huế hơn 771 triệu đồng.
Hơn 73 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Tống Xuân Vương để trả nợ cho Trịnh Văn Quyết.
Đã thanh toán hơn 7,7 tỉ đồng tiền sửa chữa nhà biệt thự BT30, khu đô thị Mỹ Đình, đứng tên Trịnh Văn Quyết và Lê Thị Ngọc Diệp.
Còn lại hơn 482 tỉ đồng tiếp tục được lưu giữ trong các tài khoản chứng khoán do Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi mua, bán chứng khoán (trong đó, riêng tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết là hơn 38 tỉ đồng).
Về số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 3.600 tỉ đồng, CQĐT xác định, số tiền bán cổ phiếu ROS ban đầu (F0) sau khi rút ra khỏi tài khoản ngân hàng được sử dụng vào các nội dung sau:
Nộp hơn 181 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Tập đoàn FLC và 5 công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn FLC (Công ty CFS 50 tỉ đồng; Công ty CP Tập đoàn FLC hơn 75 tỉ đồng; Công ty FLC Nghỉ dưỡng 50 tỉ đồng; Công ty Địa ốc Star 3,5 tỉ đồng; Công ty Ion Complex 1,4 tỉ đồng; Công ty FLC Land 200 triệu đồng)
Nộp hơn 436 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân để thanh toán, trả nợ vay (Tống Xuân Vương hơn 196 tỉ đồng; Nguyễn Thị Xuân Hoa 195 tỉ đồng; Lê Thị Ngọc Diệp hơn 19 tỉ đồng; Trịnh Văn Quyết 5 tỉ đồng; Nguyễn Băng Thương hơn 7 tỉ đồng; Hương Trần Kiều Dung 3 tỉ đồng; Đặng Quý Thiết 800 triệu đồng; Ngô Thế Bằng 600 triệu đồng; Lê Thu Hiền 250 triệu đồng...)
Nộp hơn 380 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán của các cá nhân, pháp nhân do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để tiếp tục mua bán chứng khoán. Có hơn 44,8 tỉ đồng rút tiền mặt chi tiêu cá nhân.
Thu giữ 187 tỉ đồng
Số tiền còn lại hơn 2.578 tỉ đồng được rút tiền mặt cùng tiền thu được từ bán cổ phiếu ROS cho nhóm tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng và tiền bán chứng khoán khác (các mã FLC, GAB, HAI, ART, AMD).
Số tiền này được sử dụng để nộp vào Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các công ty con, công ty liên kết đưa vào hoạt động kinh doanh; một phần nộp vào nhóm tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các cá nhân, pháp nhân do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, điều hành để mua bán chứng khoán; một phần dùng cho thanh toán cá nhân khác.
CQĐT đã thu giữ hơn 187 tỉ đồng là số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết có được từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV; kê biên của ông Quyết 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu Đô thị mới Mỹ Đình II, Hà Nội. Trong đó 1 thửa có diện tích 799,6m2, 2 thửa còn lại đều có diện tích 199,9m2.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN rà soát, ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên anh em bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế và bị can Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS) cùng 45 cá nhân cho bà Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.
CQĐT cũng có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp…) đối với tài sản là bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cùng thuộc cấp khai nhận, cố ý làm sai báo cáo tài chính cho Công ty Faros do hệ sinh thái của Tập đoàn FLC là khách hàng lớn, thường xuyên của công ty.