Hàng ngàn người ở TP.HCM muốn về quê nhưng...

Nhiều người may mắn được đón về quê nhưng còn hàng ngàn trường hợp bị kẹt lại ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Sáng 30-7, hàng trăm người chạy xe máy để về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây nhưng khi đến các cửa ngõ của TP.HCM đều bị chặn lại. Nhiều người quay xe nhưng cũng có hàng trăm người bám trụ tại chốt vì tiến không được, lùi không xong.

Tuy nhiên cũng có hàng ngàn trường hợp may mắn được các tỉnh đón hoặc cho cảnh sát hộ tống về quê.

Khu vực chốt chặn trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Tân Kiên,huyện Bình Chánh tập trung khá đông người dân miền Tây đang tìm đường về quê. Ảnh: NT Bến Tre, Đồng Nai đưa công nhân, người lao động về quê

Khu vực chốt chặn trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Tân Kiên,huyện Bình Chánh tập trung khá đông người dân miền Tây đang tìm đường về quê. Ảnh: NT Bến Tre, Đồng Nai đưa công nhân, người lao động về quê

Sáng 30-7, tại Bến xe Miền Tây, UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã tổ chức buổi lễ đưa người dân đang sinh sống, làm việc tại quận Bình Tân về tỉnh Bến Tre.

Tại đây, người dân được trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, bao tay, đảm bảo giãn cách trên xe khách giường nằm. Lãnh đạo quận Bình Tân cũng trao tiền và quà hỗ trợ để bà con ấm lòng hơn.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, bày tỏ sự trân trọng những đóng góp quý giá của anh chị em công nhân, người lao động (NLĐ) đối với sự phát triển của quận.

Ông Kiên cho biết trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận đang diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân. Theo ông Kiên, UBND quận Bình Tân đã có cuộc khảo sát và ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân tại các khu nhà trọ, trong đó có người dân Bến Tre có nguyện vọng về địa phương nơi cư trú để phòng tránh dịch, ổn định cuộc sống và trở lại TP.HCM sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trước yêu cầu đó, quận đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa 118 công nhân, NLĐ tại quận Bình Tân về quê theo nguyện vọng. Ông Kiên cũng bày tỏ hy vọng được đón bà con quay trở lại quận để sinh sống, làm ăn.

UBND quận Bình Tân cũng cho biết vừa qua quận đã khảo sát và ghi nhận có khoảng 5.600 người dân sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận có nguyện vọng về quê thuộc 51 tỉnh, thành. Quận đang tích cực kết nối với các tỉnh để có kế hoạch đón người dân về quê trong thời gian tới.

Tại Đồng Nai, rạng sáng 30-7, gần 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) may mắn được trở về quê nhà tại tỉnh Đắk Lắk an toàn dưới sự hộ tống, dẫn đường của lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai.

Toàn bộ công nhân đã được chính quyền địa phương đón tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột) để làm các thủ tục về y tế…

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân trao quà cho người dân về quê Bến Tre. Ảnh: L.THOA

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân trao quà cho người dân về quê Bến Tre. Ảnh: L.THOA

Nhưng hàng trăm người không thể ra các cửa ngõ TP.HCM

Sáng 30-7, tại chốt kiểm soát ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, hàng trăm người vạ vật ngồi chờ để được qua chốt nhưng không được. Họ là những NLĐ thời vụ tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM qua được nhiều chốt kiểm soát nhưng đến đây thì bị kẹt lại.

Hành trang được họ ràng trên xe máy là lỉnh kỉnh gạo, nước, áo quần, bếp gas…

Một phụ nữ quê Cà Mau cho hay hai vợ chồng lên Đồng Nai làm thợ và phụ hồ nhưng đã mất việc khoảng hai tháng nay. Tiền trọ cũng không có để đóng nên quyết định đi xe máy từ Đồng Nai về Cà Mau. “Chúng tôi đã trả phòng và chủ nhà trọ cũng không cho quay lại vì họ ngại mang theo mầm dịch. Chúng tôi có mang theo nồi cơm, bếp gas, gạo, chén đũa… nên chẳng biết đi đâu nữa” - người này nói.

Ghi nhận phần lớn những người mắc kẹt tại chốt quê ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ, họ đi làm ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM bị kẹt lại, tiến không được, lùi không xong.

Còn trên tuyến quốc lộ 13 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều người từ TP.HCM và Bình Dương về quê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng bị kẹt lại vì một số tỉnh đã thông báo ngưng nhận người dân về quê vì không đủ năng lực tiếp nhận, cách ly.

Cùng ngày, rất đông người dân trên địa bàn TP.HCM chạy xe máy đến các cửa ngõ phía đông TP để về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng đều phải quay đầu lại.

Có trường hợp hai chị em sinh viên muốn về quê Quảng Ngãi vì chỉ còn 200.000 đồng. CSGT đã giải thích và cho họ 500.000 đồng, động viên quay lại TP.HCM chờ cơ quan chức năng ở quê sắp xếp…

Người dân nên đăng ký với địa phương

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị người dân có nhu cầu về quê nên đăng ký với từng địa phương để các địa phương trao đổi với nhau, tổ chức cho bà con về.

Hiện gần như tất cả địa phương đều áp dụng Chỉ thị 16 nên việc đi lại của người dân khó khăn.

Ghi nhận của PV, các tỉnh đều mong muốn đón con em đang ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê nhưng khả năng cách ly, điều trị tại các địa phương quá tải.

Ở Nghệ An, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này có kế hoạch đón công dân Nghệ An về quê.

Tỉnh Nghệ An đã lập website: dangkyveque.nghean.gov.vn để người dân đăng ký trực tuyến về quê và lựa chọn về bằng tàu hỏa hay máy bay, có khoảng 10.000 người đã đăng ký. Dự kiến đầu tháng 8, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức thực hiện đón đợt 1 với khoảng 1.000 người từ TP.HCM trở về quê.

Tại Hà Tĩnh, sau khi phối hợp với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM đón 814 công dân từ TP.HCM về đến Hà Tĩnh an toàn vào sáng 26-7, nay tỉnh Hà Tĩnh đã lên kế hoạch đón công dân đợt 2 bằng tàu hỏa.

PGS-TS Phan Xuân Biên, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM, cho biết: “Thông qua hội đồng hương, có 10.000 người quê Hà Tĩnh đăng ký trở về quê hương”.

Tương tự, Thanh Hóa cũng lên các phương án để đón người dân ở các tỉnh phía Nam về quê. Theo khảo sát, tỉnh này có khoảng 315.000 người đang sinh sống, lao động, học tập ở các địa phương. Trước mắt tỉnh tổ chức đón 190 người thuộc diện ưu tiên, thai phụ… về quê bằng máy bay vào ngày 5 và 6-8.

Tuy nhiên, những con số may mắn được về quê như muối bỏ bể, đa phần các khu cách ly tập trung ở các địa phương đang quá tải nên nhiều nơi ngưng tiếp nhận người dân về quê…

Nhiều tỉnh ngưng đón người dân về quê

• Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hai đợt đón công dân trở về bằng tàu hỏa và máy bay với hơn 600 người. Đợt 3, dự kiến ngày 1-8, tỉnh sẽ tổ chức chuyến bay dịch vụ đưa khoảng 250 người trở về.

Thừa Thiên-Huế tiếp nhận hàng ngàn người cách ly tập trung mỗi ngày và sắp quá tải. Vì vậy, Thừa Thiên-Huế cho biết sẽ tạm ngưng đón người từ vùng dịch về từ ngày 1-8.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không di chuyển về địa phương trong giai đoạn này.

• Ở Quảng Ngãi, Thiếu tá Dương Hiển Công Lực, Trưởng trạm CSGT Đức Phổ (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi), cho biết số lượng người dân từ các tỉnh phía Nam về tỉnh này theo diện tự do rất đông. Trung bình mỗi ca (6 giờ) tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 đèo Bình Đê ghi nhận số người về lên đến khoảng 250 người. Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt liên tục ghi nhận số người về rất đông, số xe của người dân tạm gửi tại Trạm CSGT Đức Phổ đã hơn 2.500 chiếc. Việc người dân về quê đông gây áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt, thiếu hụt nơi cách ly tập trung.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh lên kế hoạch đón 400 công dân đang gặp khó khăn tại TP.HCM về quê tránh dịch. Đợt đầu đã đón 200 người, sáng nay (31-7) sẽ tiếp nhận 200 người đợt 2 về khu cách ly tập trung.

Tỉnh Quảng Ngãi có văn bản dừng tiếp nhận công dân tỉnh này từ các tỉnh, TP đang có dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 1-8 vì các khu cách ly y tế của tỉnh đã quá tải.

“Người dân đang ở đâu ở yên đó, bà con khó khăn thì thông qua hội đồng hương. Quảng Ngãi quyên góp lương thực, thực phẩm gửi vào, hội đồng hương trực tiếp hỗ trợ những người không có điều kiện. Bà con bây giờ cứ về như thế này thì bà con cũng khổ, tỉnh cũng khổ. Tôi rất chia sẻ với bà con trong điều kiện dịch bệnh nhưng về không thuận bằng ở lại” - chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nhắn nhủ.

• Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác.

Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được

N. cho biết mình là sinh viên đang chờ xin việc làm, mùa dịch kéo dài mà hai chị em chỉ còn 200.000 đồng nên phải về quê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN