Hàng loạt phi công xin nghỉ, “sếp” VNA nói gì?

Trong đợt cao điểm Tết Dương lịch vừa qua, 117 lượt phi công của Vietnam Airlines (VNA) báo ốm và trước đó đã có hơn 30 phi công nộp đơn xin nghỉ việc. VNA coi đây là sự việc nghiêm trọng.

Chiều 12.1, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về việc hàng loạt phi công của hãng nộp đơn xin nghỉ việc.

“Lãn công tập thể” thông qua việc báo ốm

Ông Phạm Ngọc Minh – Tổng Giám đốc VNA cho biết: “Gần đây VNA có hiện tượng bất thường. Từ 30.12.2014 đến 4.1.2015 đã có đến 117 lượt phi công báo ốm, trong đó 90% nằm ở các đội bay tàu bay Airbus. Trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhân của cơ quan y tế. Số lượng này gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”.

Tiếp theo đó đã có 9 đơn xin nghỉ việc được nộp lên Tổng Công ty. Lãnh đạo VNA coi đây là sự việc nghiêm trọng. Ông Minh cho hay: “Ngày 5.1, ngay sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, lãnh đạo VNA đã họp khẩn cấp vì sự việc có nguy cơ làm xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ phi công của hãng”. VNA đã coi hiện tượng bất thường kể trên là “lãn công tập thể” thông qua việc báo ốm.

Hàng loạt phi công xin nghỉ, “sếp” VNA nói gì? - 1

Quang cảnh buổi họp báo chiều nay do VNA tổ chức

Việc phi công đồng loạt đã làm ảnh hưởng đến lịch làm việc của nhân viên trong hãng. Cụ thể, trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, có ngày VNA đã phải huy động 90% lực lượng khai thác dự bị, có ngày có đến 7 – 8 chuyến phi công báo ốm. Tuy nhiên, người đứng đầu VNA khẳng định: “Hãng có phương án dự bị tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn an toàn an ninh nên không xảy ra hiện tượng thiếu tàu bay, thiếu phi công”.

Trước thông tin lực lượng lao động kỹ thuật cao muốn ra đi vì lý do thu nhập, ông Nguyễn Bùi Lâm – Phó Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực cho biết: “Việc cải tiến thu nhập của lực lượng phi công đã được thực hiện theo đúng lộ trình, đến cuối năm 2015, lương phi công trong nước sẽ đạt mức 75 – 80% so với phi công nước ngoài ở chức danh tương tự”.

Cụ thể, đến tháng 7.2015 thu nhập của cơ trưởng B777 – A330 (bao gồm cả lưu trú) là 117 triệu đồng/tháng, đối với chức danh giáo viên là 217 triệu đồng/tháng. Chức danh tương ứng đối với loại tàu bay A321 là 158 triệu đồng/tháng và 198 triệu đồng/tháng.

Phản ánh với báo chí, một phi công (xin được không nêu tên) cho biết, mức thu nhập của phi công lâu năm ở VNA thấp hơn so với đồng nghiệp nước ngoài và thấp hơn nhiều so với vị trí tương tự ở hãng hàng không nội địa khác. Bên cạnh đó, việc bố trí lịch bay chưa hợp lý khiến phi công không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình.

Trước câu hỏi về việc nghi vấn hãng hàng không nội địa nào có liên quan đến hiện tượng bất thường kể trên, ông Phạm Ngọc Minh cho biết: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do VietJet Air, chúng tôi không đặt hãng hàng không cụ thể nào lên bàn nghị sự. Chúng tôi chỉ quan tâm đến lực lượng lao động, các anh chị em trong Tổng Công ty đang lao động hết mình”.

Rà soát chế độ tiền lương ở VNA

Trước đó, sau hiện tượng bất thường kể trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ban hành chỉ thị về quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực tại VNA.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2015.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra các hãng hàng không Việt Nam để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực khai thác của hãng.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN