Hàng loạt kiểm lâm Bình Thuận nghỉ việc, bỏ việc trong 2 năm qua
Từ cuối tháng 10-2020 đến nay có 116 người thuộc kiểm lâm Bình Thuận nghỉ việc do áp lực về công việc, thu nhập thấp và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo tình hình kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc cho Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT.
Kiểm lâm Bình Thuận tại hiện trường vụ phá rừng ở Hàm Thuận Nam. Ảnh PĐ.
Theo đó, Sở NN& PTNT Bình Thuận hiện có một Chi cục Kiểm lâm và 10 Hạt Kiểm lâm trực thuộc; 15 ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và hai Khu bảo tồn thiên nhiên. Tổng số người có mặt là 829 người, trong đó công chức 222 người, viên chức 145 người và lao động hợp đồng 462 người.
Từ cuối tháng 10-2020 đến nay, tổng số người xin nghỉ việc là 116 người, trong đó xin nghỉ hưu sớm bốn người, xin chuyển công tác chín người và xin thôi việc 103 người.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nguyên nhân tình trạng xin nghỉ việc, bỏ việc hàng loạt nêu trên là do lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên phải làm việc trong điều kiện vất vả, khó khăn về nhiều mặt. Chẳng hạn như trực gác rừng nơi hẻo lánh, địa hình đồi núi đi lại rất vất vả, nguy hiểm, ít có thời gian gần nhà, chăm sóc gia đình...
Lương người mới vào làm việc bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng/người/tháng nhưng phải tham gia bảo vệ rừng 24/24 giờ, cả thứ bảy, chủ nhật, tiền ăn uống, xăng xe đi lại và sinh hoạt gần như hết, không đủ trang trải cuộc sống.
Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách luôn chịu áp lực nặng nề khi làm nhiệm vụ, phải làm cả ngày lẫn đêm, thường xuyên trèo đèo, lội suối, đối mặt với lâm tặc và vô vàn hiểm nguy rình rập. Đặc biệt là trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng...
Nhân viên bảo vệ rừng tại hiện trường vụ phá rừng Sông Lũy. Ảnh PN.
Nhiều vụ chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, manh động và đã xảy ra những vụ hành hung, khủng bố, đe dọa đến tính mạng của lực lượng bảo vệ rừng gây bức xúc cho xã hội, làm dao động tư tưởng anh em. Trong khi công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ rừng hết sức thô sơ, lâm tặc vô cùng liều lĩnh, thường xuyên đe dọa đến tính mạng của người bảo vệ rừng.
Từ tháng 7-2019 đến nay Nhà nước chưa tăng lương cơ sở, đời sống viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn; chưa có quy định về chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng - là lực lượng trực tiếp giữ rừng, tuần tra bảo vệ rừng, thường xuyên đối đầu với lâm tặc, nếu không may hy sinh không có chế độ liệt sĩ…
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù đối với viên chức, người lao động quản lý bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và các Khu Bảo tồn thiên nhiên. Các chế độ này gồm phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp độc hại, chế độ thương binh, liệt sĩ do bị tai nạn trong khi thi hành nhiệm vụ.
Điều chỉnh, sửa đổi chính sách tiền lương, tăng thêm phụ cấp, nâng mức tiền công đi rừng. Trang bị công cụ hỗ trợ đủ sức răn đe cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để họ đủ tự tin khi làm nghiệm vụ...
Nguồn: [Link nguồn]
Lợi dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lâm tặc đã mang cưa máy vào rừng triệt hạ 119 cây gỗ lớn với tổng cộng hơn 42m3 gỗ.