Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 4/2021
Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới bằng plastic; Đánh đập vật nuôi bị phạt tới 3 triệu đồng;… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021.
Thẻ Bảo hiểm y tế giấy sẽ được thay thế dần bằng thẻ in plastic. Ảnh minh hoạ TPO
Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới bằng plastic thay thẻ giấy
Từ ngày 1/4/2021, Quyết định 1666 về Ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới với nhiều cải tiến so với trước đây.
Cụ thể: Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm.
Thẻ sẽ được in plastic sau khi in, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ. Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước…
Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số (chính là mã số bảo hiểm xã hội) thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5.
Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh - những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.
Với các thẻ cũ, Quyết định này cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ đổi sang mẫu thẻ mới, nếu vẫn còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh.
Phôi thẻ BHYT đã in theo mẫu cũ chưa sử dụng hết đến ngày 1/4/2021 vẫn được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia BHYT.
Đánh đập vật nuôi bị phạt tới 3 triệu đồng
Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị phạt tới 3 triệu đồng. Ảnh minh hoạ NLĐ
Từ ngày 20/4/2021, Nghị định 14/2021 quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi của Chính phủ có hiệu lực. Theo đó, quy định mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi.
Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021 nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, với mô hình chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình), nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục…
Sửa Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có một số thay đổi, bổ sung
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020.
Theo đó, sửa đổi một số nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình giáo dục thường xuyên thì không yêu cầu xếp loại.
Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5 điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/4/2021.
Bổ sung một loại phí hải quan
Thông tư 14/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/4/2021.
Theo đó, Thông tư đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.
Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.
Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…
Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…
Thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập; Cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ bị phạt...
Nguồn: [Link nguồn]