Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2022

Sự kiện: Tin ngắn

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh; Bộ Ngoại giao bổ sung nhiều nhiệm vụ mới… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh

Từ ngày 12/12/2022, Thông tư 14/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 sẽ có hiệu lực.

Tại Mục 2 (Hỗ trợ điện thoại thông minh) Chương IV của Thông tư có quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo đó, những hộ được hỗ trợ điện thoại thông minh gồm: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương); Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh từ 12/12. Ảnh minh họa

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh từ 12/12. Ảnh minh họa

Có 2 hình thức hỗ trợ gồm:

- Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).

- Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022). Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường (trường hợp hộ gia đình nhận hỗ trợ bằng tiền) hoặc mua điện thoại thông minh thông qua gói dịch vụ kết hợp của doanh nghiệp có giá cao hơn mức hỗ trợ từ Chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.

Hồ sơ nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và dịch vụ viễn thông công ích:

- Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của chủ hộ hoặc của người đại diện hộ gia đình nhận hỗ trợ (có bản chính để đối chiếu).

- Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian chưa thoát nghèo, cận nghèo.

- Hóa đơn mua điện thoại thông minh của hộ gia đình từ thời điểm 12/12/2022 (đối với trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền).

Bộ Ngoại giao bổ sung nhiều nhiệm vụ mới

Từ ngày 1/12/2022, Nghị định số 81/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao sẽ có hiệu lực.

Theo đó, Nghị định bổ sung nhiệm vụ như: “Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước” để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.

Trụ sở Bộ Ngoại giao trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) ngay nút giao với Đại lộ Thăng Long. Ảnh TPO

Trụ sở Bộ Ngoại giao trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) ngay nút giao với Đại lộ Thăng Long. Ảnh TPO

Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.

Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin.

Chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Giảm 3 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Hướng dẫn mới về xếp lương viên chức là đạo diễn, diễn viên

Thông tư 10/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Theo đó, viên chức nhóm chức danh đạo diễn nghệ thuật, diễn viên gồm 4 hạng. Mỗi nhóm được xếp lương căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

Cụ thể, diễn viên hạng I được áp dụng hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00 (từ 9.238.000 đến 11.920.000 đồng); diễn viên hạng II được áp hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38 (từ 5.960.000 đến 9.506.200 đồng); diễn viên hạng III được áp dụng hệ số lương 2,34 đến 4,98 (từ 3.427.000 đến 7.420.200 đồng); diễn viên hạng IV được áp dụng hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 (từ 2.771.400 đến 6.049.400 đồng).

Mức lương trên tương ứng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng hiện nay. Kể từ ngày 1/7/2023, mức lương của viên chức là diễn viên các hạng sẽ đồng loạt tăng theo mức tăng lương cơ sở khi vừa qua Quốc hội đã chốt tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức địa chính, thể dục thể thao

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022 sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.

Theo đó, Thông tư 12 đã bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với một số ngành nghề. Ảnh minh họa

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với một số ngành nghề. Ảnh minh họa

Chức danh địa chính viên hạng II chỉ yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Chức danh địa chính viên hạng III yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Đối với địa chính viên hạng IV, không còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

Tương tự, từ ngày 10/12/2022, Thông tư số 07/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao cũng không còn yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc tương ứng.

Thay vào đó, viên chức ngành thể dục thể thao phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Nhiều chính sách mới về viên chức có hiệu lực từ tháng 12-2022

Từ tháng 12 tới, nhiều chính sách mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức sẽ chính thức có hiệu lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảng Anh (Người đưa tin)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN