Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 10/2019
Quy định tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông; Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2019.
Quy định tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông
Từ ngày 15/10/2019, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông có hiệu lực.
Theo đó, ở trong khu vực đông dân cư các phương tiện được chạy tối đa 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; tối đa 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.
Ô tô, xe máy sẽ bị giới hạn tốc độ tối đa khi tham gia giao thông kể từ tháng 10/2019. Ảnh minh họa.
Nếu ở ngoài khu vực dân cư, tốc độ tối đa 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên; 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.
Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.
Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp
Từ ngày 10/10/2019, Nghị định 70/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ công an của Chính phủ chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định có 2 trường hợp công an nghĩa vụ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp gồm:
Phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn theo chế độ chuyên nghiệp thì được xét, dự tuyển vào các trường Công an nhân dân. Khi tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Người không thuộc trường hợp nêu trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
Công an nghĩa vụ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp. Ảnh minh họa.
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm
Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT.
Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tập hợp quần chúng… người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:
Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên. Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.
Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.
Chương trình này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.
Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.
Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình
Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Các bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Ảnh minh họa Báo Giao thông.
Thông tư này nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình.
Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.
Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu
Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:
Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm; Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn; Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…
Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 1 - 3 tháng.
Lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự sẽ bị cách chức; Tù nhân cứu người hoặc tài sản trên 50...