Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng đầu tiên của năm 2022

Sự kiện: Thời sự

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; Không phân loại rác sẽ không được thu gom… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, bắt đầu từ năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên theo lộ trình. Ảnh minh họa: TPO.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên theo lộ trình. Ảnh minh họa: TPO.

Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Không phân loại rác sẽ không được thu gom

Luật Bảo vệ môi trường 2020 do Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.

Người dân sẽ phải tự phân loại rác thải tại nhà nếu không sẽ bị từ chối thu gom. Ảnh: NLĐ.

Người dân sẽ phải tự phân loại rác thải tại nhà nếu không sẽ bị từ chối thu gom. Ảnh: NLĐ.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, luật mới cũng sẽ quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.

Trước khi có Luật mới này, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường.

Dù 1/1/2022 Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, song theo khoản 7 Điều 79 của luật này, tùy từng địa phương, quy định tính phí rác thải theo kg có thể được áp dụng ở các thời điểm khác nhau, kể từ 1/1/2022 và chậm nhất là 31/12/2024.

Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/1 lần

Nghị định 95/2021 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

Giá xăng dầu sẽ được thay đổi 10 ngày/1 lần thay vì 15 ngày. Ảnh: Dân Việt.

Giá xăng dầu sẽ được thay đổi 10 ngày/1 lần thay vì 15 ngày. Ảnh: Dân Việt.

Tại Nghị định 95 quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

Nâng quy định chuẩn nghèo từ năm 2022-2025

Đây là nội dung của Nghị định 07/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015.

Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định này quy định, từ năm 2022-2025, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo.

Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chính thức xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải không gắn camera giám sát

Các phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa: PLO.

Các phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa: PLO.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô kinh doanh vận tải không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đây là tinh thần của Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ.

Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020, tuy nhiên sau đó, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021.

Tức là, từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2021

Siết chặt quy định cá nhân vận động quyên góp từ thiện; Hạn chót nhận tiền hỗ trợ COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN