Hàng loạt "Bao Công" Trung Quốc tự tử

Vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục xảy ra các vụ tự tử của hàng loạt quan chức trong ngành kiểm sát được ví là những "Bao Công" thời hiện đại.

Theo giới phân tích, công tác điều tra, chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương ngày càng được tiến hành ráo riết, sức ép công việc của các quan chức trong ngành pháp lý, kiểm tra kỷ luật cũng ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của những “ Bao Công” thời hiện đại.

Những con số đáng sợ

Ngày 17/2/2013, Cục trưởng Cục chống tham nhũng - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sùng Châu – tỉnh Tứ Xuyên Kha Kiến Quốc nhảy lầu tự tử, kết thúc cuộc đời ở tuổi 45.

Tin về cái chết của ông Kha Kiến Quốc lập tức được truyền đi nhanh chóng trên mạng, song song với đó, có nhiều lời dự đoán về nguyên nhân dẫn đến cái chết của vị cục trưởng này. Sau khi điều tra, cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên phát hiện, trước đó ông Kha Kiến Quốc mắc bệnh trầm cảm. Trước khi tự tử, gia đình và người thân của ông Kha Kiến Quốc phát hiện ra nhiều điểm khác thường ở ông.

Ba năm trở lại đây, các quan chức làm việc trong ngành luật của Trung Quốc thường xuyên tự tử bằng cách nhảy lầu, thắt cổ….Bước sang năm 2013, số vụ tự tử đột ngột gia tăng, ngoài sự kiện ông Kha Kiến Quốc nhảy lầu vào ngày 17/2, trước đó ông Kỳ Hiểu Lâm - Phó giám đốc công an thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông đã thắt cổ tự vẫn ở tuổi 55. Chỉ sau đó 3 ngày, ngày 11/1, ông Trương Vạn Hùng - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quận Lương Châu thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc cũng đã ngảy lầu tự tử ở tuổi 46.

Hàng loạt "Bao Công" Trung Quốc tự tử - 1

Ông Kha Kiến Quốc điều trị trầm cảm ở hai bệnh viện trước khi tự tử. Ảnh: WEIBO .

Trong hai năm 2010-2011, Trung Quốc cũng xảy ra nhiều vụ tự tử của quan chức trong ngành pháp lý, điển hình vào ngày 5/2/2010, ông Lưu Tiến - Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông nhảy lầu tự tử, “hưởng thọ” tuổi 59; Ngày 28/4/2011, ông Trương Quảng Sinh – Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật cơ quan công an thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam cũng đã nhảy lầu tự vẫn ở tuổi 54; Ngày 21/9, ông Đồng Triệu Hồng – Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao tỉnh Chiết Giang thắt cổ tự tử ở tuổi 56, di chúc của ông Hồng viết: ông mắc chứng trầm cảm từ lâu và không thể chữa khỏi nên đã lựa chọn con đường tìm đến cái chết.

Không chỉ ngành kiểm sát

Không chỉ có các quan chức làm việc trong ngành pháp lý, các quan chức thuộc cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát ở Trung Quốc cũng thường xuyên tự tử. Ngày 27/8/2010, ông Đới Dũng - Phó chủ nhiệm văn phòng giám sát Ủy ban kiểm tra kỷ luật huyện Xạ Dương, tỉnh Giang Tô đã nhảy lầu tự tử ở tuổi 45, trước khi tự sát, ông này cảm thấy tinh thần rất mệt mỏi, mất ngủ, có triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Ngày 12/2/2011, ông Thái Thiết Cương – Phó bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật, Cục trưởng Cục giám sát thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây đã nhảy lầu tự tử ở tuồi 50.

Từ những con số trên có thể thấy, hầu hết các quan chức lựa chọn con đường tìm đến cái chết đều ở tuổi từ 45 đến 56. Đây là độ tuổi sung mãn, chín chắn, có thể cống hiến nhiều cho công việc, tất cả đều là những người có chức vụ khá cao. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến cái chết của họ là căn bệnh trầm cảm đáng sợ.

Vì đâu nên nỗi?

Ngoài nguyên nhân trầm cảm, vẫn còn một số nguyên nhân khác dẫn đến cái chết của các quan chức này.

Như ông Đồng Triệu Hồng – Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao tỉnh Chiết Giang, trước khi thắt cổ tự tử một ngày, ông này đã bị cách chức, nhiều luật sự nằm dưới sự quản lý của ông cũng bị bãi miễn chức vụ, bị “song quy” thậm chí là kết án tử hình. Đồng Triệu Hồng cũng bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật triệu tập nói chuyện.

Hoặc ông Thái Thiết Cương – Phó bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật, Cục trưởng Cục giám sát thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, trước khi nhảy lầu tự tử cũng đã bị dân đệ đơn tố cáo từ lâu, do tinh thần căng thẳng kéo dài, năm 2006, ông Thái Thiết Cương mắc chứng bệnh trầm cảm, từng 3 lần về Bắc Kinh điều trị. Trước khi tự tử, ông này vẫn đang ở trong quá trình uống thuốc.

Hoặc ông Lưu Tiến - Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, trước khi tự tử ông này được điều động công tác sang lĩnh vực chính hiệp (mặt trận), chuẩn bị sang tuổi 60 nghỉ hưu. Trước đó ông này có 12 năm không được đề bạt, cảm thấy vô cùng ức chế. Một điều đáng nói là 1 ngày trước khi tự tử, ông này còn tham gia hôn lễ của con trai. Và trường hợp của ông Đồng Triệu Hồng đề cập ở trên cũng có 16 năm dài không được đề bạt, bổ nhiệm.

"Song quy" chống quan tham

Cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, tham nhũng đã trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội Trung Quốc. Trong giai đoạn đặc biệt này, một hình thức tổ chức và biện pháp điều tra trong quá trình điều tra các vụ án của cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã ra đời. Điều lệ giám sát hành chính nước CHND Trung Hoa quy định: Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan giám sát có quyền yêu cầu đương sự “có mặt tại địa điểm quy định trong thời gian quy định, để giải thích, trình bày về vụ việc có liên quan (bị cách ly để điều tra trong một thời gian không giới hạn)” (gọi tắt là song quy).

Từ đó “song quy” trở thành một biện pháp hữu hiệu quan trọng để tạo bước đột phá trong các vụ án lớn, có liên quan đến các quan tham tiếng tăm lẫy lừng. Địa điểm “song quy” thường là một khách sạn nào đó, nhân viên điều tra và đối tượng bị triệu đến đây coi như bị giam lỏng để phục vụ công tác điều tra, không thể tiếp xúc với bên ngoài trong suốt quá trình điều tra, chức vụ và quyền lực của người đó bị “đóng băng”, không còn giá trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN