Hàng không Việt Nam khẩn trương mở đường bay thẳng tới Mỹ
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường Mỹ rất tiềm năng nhưng cũng rất “khó tính”, việc mở đường bay tới Mỹ sớm hay muộn cũng phải làm.
Bên lề thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai diễn ra ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội, hai hãng hàng không VietJet Air và Bamboo Airways đã ký hợp đồng mua 110 máy bay trị giá 15,7 tỉ USD của Boeing (Mỹ). Cùng đó VietJet ký hợp đồng bảo dưỡng động cơ với Tập đoàn General Electric (Mỹ) trị giá 5,3 tỉ USD. Những động thái này của các hãng hàng không Việt Nam (VN) được cho là chuẩn bị cho các bước nhằm mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Vietnam Airlines: Sớm nhất đầu năm 2022
Hãng hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines - VNA) là hãng tiên phong đặt mục tiêu bay thẳng đến Mỹ. Đại diện VNA cho biết trong 10 năm vừa qua hãng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, thương mại, mở văn phòng ở Mỹ (từ năm 2001).
Đánh giá rất cao đường bay thẳng đến Mỹ, tuy nhiên đại diện VNA cũng băn khoăn tính khả thi về mặt thương mại phụ thuộc khá nhiều vào vấn đề kỹ thuật, máy bay. Bởi hiện tại chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng.
Đại diện VNA cho biết hãng đang tích cực trao đổi với Boeing, Airbus và các hãng về động cơ máy bay để xem khi nào có loại máy bay thích hợp. Trong đó, Airbus và Boeing đều chào loại máy bay mới A350-1000 (365 ghế) và B777 8X (352 ghế) là các máy bay có tầm bay dài, cấu hình lớn và theo Airbus, Boeing đảm bảo khả năng thương mại bay đến Mỹ.
Tuy nhiên, lịch giao máy bay khá muộn. Cụ thể, dòng B777 8X sớm nhất có thể giao bốn máy bay nào năm 2022. Như vậy để bay thẳng đến Mỹ, sớm nhất là từ tháng 6-2022. Còn dòng A350-1000, sớm nhất có thể giao hai máy bay vào nửa cuối năm 2021, đồng nghĩa để bay thẳng được đến Mỹ sớm nhất là đầu năm 2022.
Vị đại diện VNA tính toán từ bây giờ đến thời điểm vấn đề kỹ thuật làm cho thương mại khả thi hơn, trước mắt VNA tiếp tục mở rộng nối chuyến với các hãng hàng không Mỹ.
Vietnam Airlines là hãng tiên phong tìm đường bay thẳng Việt-Mỹ trong tương lai. Ảnh: P.ĐIỀN
VietJet đang đầu tư đội máy bay hiện đại cho đường bay thẳng Việt-Mỹ. Ảnh: P.ĐIỀN
Bamboo Airways: Kế hoạch là 2019
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỉ USD với Tập đoàn Boeing. Được mệnh danh là “khách sạn 5 sao trên không”, đây là một trong số ít dòng máy bay thân rộng hiện đại nhất hiện nay có khả năng đáp ứng các chặng bay quốc tế đường dài, đặc biệt là chặng bay thẳng Việt-Mỹ kéo dài khoảng 13 giờ bay liên tục.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways), cho hay kế hoạch sẽ khai trương đường bay thẳng Việt-Mỹ vào cuối năm 2019. Tập đoàn FLC đã lập văn phòng đại diện tại Mỹ năm 2018 để chuẩn bị đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.
700.000 là lượt hành khách đi lại giữa VN-Mỹ năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình (giai đoạn 2010-2016) là 8%, theo nghiên cứu của Boeing. Los Angeles và San Francisco đứng thứ nhất và thứ hai trong tốp 10 TP có đông hành khách VN-Mỹ. Dung lượng thị trường dự kiến năm 2019 đạt 136.000 lượt khách giữa TP.HCM - Los Angeles và sẽ tăng 18%-20% nếu VNA mở đường bay thẳng. Tuy nhiên, hiện tại có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt-Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, để khai thác đến Mỹ cần có dòng máy bay phù hợp (chiều Los Angeles - TP.HCM gần 17 tiếng bay). |
Kế hoạch đường bay thẳng đang được hãng khẩn trương xúc tiến ngay sau khi phía Mỹ chính thức công nhận VN lọt xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1) ngày 15-2 vừa qua. “Quan hệ kinh tế, thương mại Việt-Mỹ đang được mở rộng hết sức nhanh chóng. Nhu cầu mở đường bay thẳng giữa hai thị trường là cấp thiết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch mà còn giúp phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương” - người đứng đầu Tập đoàn FLC nhìn nhận.
Còn ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, thông tin thêm: Ngoài việc ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9, hãng cũng đang nghiên cứu bổ sung 25 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, qua đó sẽ giúp Bamboo Airways gia tăng hiệu suất khai thác cũng như khả năng cạnh tranh trên những đường bay quốc tế nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này.
VietJet: Nhắm tới các bang đông người Việt
Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc VietJet, đánh giá bay thẳng tới Mỹ là cơ hội cho các hãng hàng không VN, tạo tiền đề để phát triển và xây dựng những tên tuổi hàng không lớn của VN trên bản đồ hàng không thế giới.
Ông Thắng cho hay VietJet đã có kế hoạch mở rộng đội bay với một lượng máy bay thân rộng nhằm phục vụ kế hoạch bay thẳng tới các TP của Mỹ. Trong đó, hãng sẽ mở đường bay tới các bang có đông cộng đồng người VN đang sinh sống tại Mỹ như California, phục vụ nhu cầu lớn du lịch và giao thương.
Hiện nay, VietJet ký hợp tác liên danh với các hãng hàng không lớn trên thế giới như Qatar Airways, Japan Airlines để thực hiện chuyến bay liên danh tới các điểm đến xa hơn khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh VietJet có lợi thế là thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) và có chứng chỉ An toàn hàng không quốc tế IOSA. “Các chỉ số an toàn, khai thác của VietJet thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên nhà chức trách hàng không Mỹ sẽ cấp phép thuận lợi cho việc bay tới Mỹ” - ông Thắng nói.
Đồng thời, VietJet đang cân nhắc kế hoạch mở rộng đội máy bay với các máy bay thân rộng để phù hợp cho đường bay tới Mỹ. “Hiện tại, hợp tác liên danh là phương án mà VietJet lựa chọn nhằm mang tới cơ hội bay tới khắp các điểm đến trên thế giới” - ông Thắng cho biết.
Ba thách thức Ngày 15-2, Đại sứ Mỹ tại VN Daniel Kritenbrink đã thay mặt Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chính thức trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho VN. Đánh giá sự kiện này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết tiêu chuẩn CAT 1 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, đây là điều kiện bắt buộc cho các hãng hàng không của mỗi quốc gia muốn mở đường bay đến Mỹ. Cụ thể, nhà chức trách hàng không quốc gia đó phải được Cục Hàng không Liên bang Mỹ đánh giá đạt tiêu chuẩn CAT 1. Thứ hai, CAT 1 rất quan trọng đối với các hãng hàng không của mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác với các hãng hàng không của Mỹ. Bởi nếu quốc gia đó chưa được công nhận CAT 1 thì các hợp tác liên danh (code-sharing) với các hãng hàng không của Mỹ chỉ được thực hiện trên các chuyến bay của các hãng hàng không của Mỹ. Trong khi đó, một quốc gia đạt tiêu chuẩn CAT 1 thì các hãng hàng không của quốc gia đó có quyền liên danh với các hãng hàng không của Mỹ trên các chuyến bay. “Bên cạnh đó, vị thế, uy tín trong lĩnh vực hàng không của quốc gia đó được nâng lên rất cao…” - ông Thắng khẳng định. Đối với thị trường hàng không Mỹ, Cục Hàng không VN đánh giá đây là thị trường hết sức tiềm năng nhưng khó tính, tuy nhiên việc mở đường bay tới Mỹ sớm hay muộn cũng phải làm. Các hãng hàng không VN nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ đạt được những thành công tại thị trường này. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng việc mở đường bay tới Mỹ sẽ có nhiều thách thức đối với các hãng bay của VN. Thứ nhất là việc đầu tư đội máy bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém. Thứ hai, hàng không là thị trường khốc liệt khi rất nhiều hãng hàng không của các nước đã thực hiện bay tới Mỹ và cũng có nhiều hãng của Mỹ khai thác đường bay từ Mỹ đi các nước. Vì vậy, yếu tố thị trường các hãng hàng không cần phải hết sức quan tâm. Cục Hàng không VN cho rằng thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả. “Thách thức lớn thứ ba mà các hãng hàng không VN cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp, vì vậy các hãng hàng không VN cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ…” - ông Thắng nhấn mạnh. VIẾT LONG |
Bước tiến quan trọng này là kết quả nhiều năm làm việc của Cục Hàng không Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của...