Hang Dơi – tuyệt tác thiên nhiên ở Kim Bôi tan tác sau cơn “bão vàng”
Một hang động rộng lớn với những khối nhũ đá tuyệt đẹp đã trở nên tan hoang sau khi hàng ngàn người đổ xô đến đây tìm kiếm vàng.
Hang Dơi ở xã Sào Báy (huyện Kim Bôi) đã bị đào xới tan hoang để tìm vàng.
Hang Dơi được ví như “hang vàng”
Trong hành trình trở lại “chén vàng” Kim Bôi, tôi làm quen được với ông D.V.T – một người buôn vàng có tiếng ở đất Kim Bôi. Ông T. có hơn 10 năm đi thu mua vàng của những người khai thác và mang ra Hà Nội bán cho những cơ sở sản xuất, chế tác vàng thu lời.
Ngày ấy, ngay cả những người đi thu mua vàng cũng bị công an săn lùng ráo riết. Ông T. tiết lộ, ông từng nhiều lần suýt bị công an tóm nhưng nhờ thông thạo địa bàn nên thoát thân.
“Buôn vàng hồi đó bị công an bắt, bị đưa đi cải tạo. Biết là phạm pháp nhưng vì đói quá, không có việc làm nên phải làm liều”, ông T. tâm sự.
Khoảng đầu những năm 90, ông T. không làm nghề buôn vàng nữa mà về quê ở xã Nam Thượng mở một cửa hàng điện tử, điện lạnh.
Con suối đổ ra bên ngoài cửa hang chỉ trơ lên toàn sỏi.
Theo lời kể của ông T. nơi tập trung dân đào vàng nhiều nhất đó là hang Dơi nằm ở thôn Sào Đông, xã Sào Báy (huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Nơi đây được người dân ví như “hang vàng”, bởi một lượng vàng rất lớn đã được khai thác từ đây.
Hang Dơi là một hang động được hình thành từ những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp ở Kim Bôi. Sở dĩ, người ta gọi “hang Dơi” vì trong hang có rất nhiều dơi sinh sống. Những đàn dơi khổng lồ, đến hàng ngàn con mỗi sáng bay ra kiếm ăn, tối tối lại bay về đây trú ngụ.
Chưa ai đo được độ sâu của nó, chỉ biết qua hàng trăm năm, những khối thạch nhũ, nhũ đá ở đây trở nên đẹp tuyệt diệu. Nước chảy trong vắt. Mùa hè, những hôm nắng nóng trên 40 độ C, người dân thường vào trong hang nằm ngủ.
Thế nhưng, đó là chuyện của khoảng 30 năm về trước, trước khi dân đào vàng đổ xô đến nơi này và đào xới tan hoang. Mọi thứ bây giờ trong hang chẳng khác gì một bãi thải với những đống sỏi đá ngổn ngang.
Bên trong hang đã bị “vàng tặc” đào xới tanh bành.
Người đầu tiên phát hiện ra trong hang Dơi có vàng là ông Chế Ảnh. Khoảng đầu những năm 80, ông Chế Ảnh vào hang và thấy những ánh vàng phát sáng. Ông về kể chuyện cho dân làng, và từ đó, người ta cày xới hang tìm vàng.
Tan hoang tuyệt tác của thiên nhiên vì vàng
Theo chân ông T., tôi bắt đầu hành trình khám phá “hang vàng”. Trước khi đi, ông T. nhắc tôi mang theo một chiếc đèn pin bởi vào đó hang rất rộng và tối, không có đèn không thể đi nổi.
Ông T. dẫn đường tôi khám phá hang Dơi bằng chiếc đèn pin lập lòe
Từ đường lớn, men theo một con đường đất, ông T. dẫn tôi đi khoảng hơn 1km thì vào tới cửa hang Dơi. Đập vào mắt tôi là những hố đất lỗ chỗ và dòng suối ngay cửa hang đổ ra chỉ toàn sỏi là sỏi, nước đầy váng.
“Những chỗ này ngày xưa nhiều vàng lắm. Người ta đào hết đất lên sàng sảy rồi nên chỉ toàn trơ sỏi”, ông T. chỉ tay về phía dòng suối.
Đi thêm một chút nữa, chúng tôi đến cửa hang Dơi. Tiếng nước từ trong hang đá chảy ra róc rách. Vừa bước chân vào cửa hang, không khí mát lạnh, khác hẳn với bên ngoài. Bảo sao, mùa nắng người dân thường ra đây nghỉ ngơi.
Chăn màn, quần áo, ván gỗ, bương… của phu vàng vẫn vứt ngổn ngang trong hang.
Quả thực, lòng hang rất rộng lớn. Thỉnh thoảng lại có tiếng dơi kêu vang vọng trong hang. Để vào sâu trong hang, chúng tôi phải lội qua một đoạn nước sâu ngang thắt lưng quần ở ngay cửa hang.
Bước chân vào bên trong, không gian tối mù mịt, nếu không có đèn pin thì sẽ không thấy đường. Thế nhưng, qua ánh đèn pin le lói, tôi vẫn có thể nhận biết được, lòng hang đã bị đào xới kinh hoàng thế nào.
Những đống đất đá cao vút lên hàng chục mét, bên dưới là hố nước sâu. Đi vào vài trăm mét là rất nhiều những cây tre, cây bương vứt ngổn ngang, chăn màn, quần áo… Ngoài ra còn có cả ống hút, dây dẫn dầu của máy nổ.
“Hồi đó, có những lúc trong hang lên đến cả ngàn người. Máy móc hoạt động hết công suất. Tôi vào trong đó một lúc mà ra lỗ mũi đen sì vì khói xăng, dầu xông vào mũi”, ông T. kể.
Trên vách đá, người ta còn lấy than ghi tên, chia ca làm. Suốt đoạn đường khoảng hơn 2km chúng tôi đi trong hang, chỉ gặp toàn các đống sỏi đá cao vút và những hố sâu bị đào bới. Càng vào sâu bên trong, càng tối.
Thỉnh thoảng, có những đoạn nước sâu nhưng đã được bắc cầu bằng bương để đi qua. Chúng tôi gặp khó khi gặp một đoạn nước ngập sâu và rất dài, nếu không có bè thì không thể qua nổi. Vì vậy, chúng tôi phải quay lại.
Theo lời ông T. hang còn rất sâu, càng vào trong càng tối và nhiều ngóc ngách, nếu không thạo đường có thể bị lạc. Thế nhưng, cũng đã bị đào xới tan hoang giống như bên ngoài.
Bên dưới ngổn ngang là vậy, nhưng bên trên vách hang, những khối thạch nhũ to và đẹp tuyệt diệu với những hình thù lạ mắt. Rất khó tìm từ ngữ nào để miêu tả về vẻ đẹp đó. Nếu không bị đào xới tan hoang sau cơn “bão vàng” thì quả thực hang Dơi là một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Kim Bôi (Hòa Bình).
---------------------------------------
Hang Dơi, cùng nhiều nơi khác ở Kim Bôi đã bị “vàng tặc” đào xới tan hoang. Mời quý độc giả đón đọc kì 3: Những vết tích tan hoang còn sót lại sau cơn “bão vàng” ở “chén vàng” Kim Bôi vào lúc 19h ngày 31/12.
Khi màn đêm buông xuống, dòng người nối đuôi nhau dài hàng cây số, ai cũng cầm theo những chiếc đèn dầu, đèn bão ra suối...