Hàng chục nghìn phương tiện vi phạm nguy cơ hư hỏng, công an TPHCM nói gì?
Thiếu kho bãi, không đảm bảo được các điều kiện trong quá trình tạm giữ phương tiện sai phạm đang khiến hàng loạt phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố bị hư hỏng nghiêm trọng. Công an TP.HCM đã trả lời báo Tiền Phong về vấn đề trên.
Hiện thành phố có nhiều bãi giữ xe sai phạm nhưng không đảm bảo về các điều kiện khi tạm giữ phương tiện
Những ngày qua, nhiều thông tin, hình ảnh về hàng loạt phương tiện sai phạm tại các bãi tạm giữ của cơ quan công an TP.HCM đã hư hỏng nghiêm trọng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Ngày 23/3, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt TP.HCM (PC08) có 7 kho lưu giữ phương tiện vi phạm và các điểm tạm giữ phương tiện tại Sở cùng công an các quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Nhiều phương tiện để giữa trời, phơi nắng, phơi mưa và cỏ mọc um tùm bao phủ cả xe
Tính đến hết tháng 2/2023, công an thành phố đang tạm giữ 31.511 phương tiện trong đó có 34 ô tô, 1.252 xe 3 bánh, 30.219 mô tô, xe máy và 6 xe đạp. Đa số phương tiện bị tạm giữ chờ xử lý, tịch thu, chủ các phương tiện trên không đến nộp phạt vi phạm nên thành phố sẽ xúc tiến việc bán đấu giá.
Lý giải nguyên nhân khiến các phương tiện bị hư hỏng, phơi nắng, phơi mưa vì hầu hết khu vực tạm giữ phương tiện vi phạm không đảm bảo, không có mái che, Thượng tá Mạnh Hà cho biết, công an thành phố không còn nhà, đất trống để sắp xếp, bố trí cho các đơn vị sử dụng làm kho.
Hàng loạt phương tiện vi phạm hành chính nhưng nhiều chủ phương tiện không đến đóng phạt nhận lại
"Một số đơn vị đã có kho nhưng diện tích nhỏ, chưa có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật dẫn đến tình trạng dễ hư hỏng, hoặc rò rỉ hóa chất nguy hại, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, công an thành phố chưa có các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp để bảo quản phương tiện trong thời gian tạm giữ"- Thượng tá Hà nói thêm.
Theo ông Hà trong quá trình thực hiện các thủ tục tịch thu, tiêu hủy, bán đấu giá phương tiện tang vật vi phạm hành chính mất nhiều thời gian thực hiện, do có nhiều công đoạn và thủ tục nên các phương tiện giao thông bị tạm giữ quá lâu bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, thời gian để thực hiện các thủ tục giám định, xác định số khung, số máy nguyên thủy cũng kéo dài do công an thành phố không đủ nhân lực và thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất.
Không chỉ xe gắn máy, nhiều xe ô tô cũng đã bị tạm giữ thời gian dài, hư hỏng nghiêm trọng
Thượng tá Mạnh Hà cho biết, đối với phương tiện vi phạm đã quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được chủ sở hữu hợp pháp, các đơn vị chức năng sẽ thông báo 2 lần trên báo, cổng thông tin điện tử công an thành phố.
Khi hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo thứ hai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm hoặc chủ sở hữu hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Do đó, trung bình thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Công an thành phố đang lên kế hoạch bán đấu giá các phương tiện sai phạm bị tịch thu
Để giải quyết tình trạng tồn đọng phương tiện trong thời gian dài, chiếm dụng kho bãi và hư hỏng, xuống cấp Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, công an thành phố đang tham gia, phối hợp với đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân thành phố để đánh giá thực trạng, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng tồn đọng phương tiện.
Nhằm giảm thủ tục và thời gian, UBND TP.HCM, Bộ Công an đã phân cấp từ cấp huyện về thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vị phạm hành chính. Công an TP.HCM cũng quán triệt các đơn vị áp dụng các biện pháp tạm giữ giấy tờ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay cho biện pháp tạm giữ phương tiện.
Được biết, công an TP.HCM đang từng bước tổ chức bán đấu giá các phương tiện sai phạm bị tịch thu do người vi phạm hành chính không đến đóng phạt để nhận lại phương tiện. Tuy nhiên, theo nhận định của công an thành phố, số tiền bán đấu giá phương tiện sai phạm chỉ là giải pháp để thu hồi phí thuê bãi giữ xe.
Hàng ngàn xe máy chất đống cao như "núi" ở kho tang tài vật vi phạm giao thông lớn nhất của Phòng PC08 Công an TP.HCM.
Nguồn: [Link nguồn]