Hàn Quốc sốt vó vụ phế truất chú Kim Jong-un

Hàn Quốc đang nỗ lực tìm hiểu những bí mật đằng sau vụ phế truất ông Jang Song-taek để lường trước các động thái của Triều Tiên.

Ngày 3/12, các quan chức tình báo Hàn Quốc cho hay người chú đầy quyền lực Jang Song-taek của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bị bãi nhiệm và tước bỏ hết mọi chức vụ.

Tình báo Hàn Quốc cũng cho biết 2 trợ thủ thân cận của ông Jang đã bị xử tử công khai vì những hoạt động “gây hại” đến Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời chính quyền Triều Tiên đang có những “biện pháp tiếp theo” để chống lại những quan chức có liên hệ với ông Jang.

Hàn Quốc sốt vó vụ phế truất chú Kim Jong-un - 1

Ông Jang Song-thaek đã bị tước bỏ hết mọi chức vụ?

Tình báo Hàn Quốc tin rằng cuộc thanh trừng này vẫn đang được tiếp tục và chưa biết sẽ dừng lại ở mức độ nào, tuy nhiên nhiều khả năng cơ quan quản lý của đảng Lao động Triều Tiên do ông Jang đứng đầu đã bị giải tán hoặc đình chỉ hoạt động.

Nhà chức trách Triều Tiên đã để lộ các thông tin này một cách thận trọng, và họ tìm mọi cách để dập tắt bất cứ dấu hiệu bất ổn nào nảy sinh sau vụ thanh trừng này.

Ông Jang trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất Triều Tiên kể từ khi cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011, và ông này nắm giữ các vị trí chủ chốt trong đảng Lao động, Ủy ban Quốc phòng và nhiều cơ quan quan trọng khác.

Ông Jang là chồng của bà Kim Kyong-hui, cô ruột của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un và hai vợ chồng này được cho là những người lãnh đạo thực sự trong giai đoạn ông Kim Jong-un mới lên nắm quyền. Nếu ông Jang bị cách chức, nhiều khả năng đây là “động thái chiến lược” cuối cùng của Kim Jong-un nhằm thâu tóm quyền lực về tay mình.

Một số chuyên gia phân tích Hàn Quốc cho rằng việc ông Jang bị phế truất là hệ quả của cuộc đấu tranh quyền lực với người đứng đầu Bộ Chính trị Choe Ryong-hae hoặc là cuộc đấu đá giữa đảng Lao động và quân đội Triều Tiên, và cuộc đấu đá này có thể dẫn đến những bất ổn về chính trị.

Hàn Quốc sốt vó vụ phế truất chú Kim Jong-un - 2

Ông Jang và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Ông Lim Eul-chul thuộc Đại học Kyungnam cho rằng việc phế truất một nhân vật cấp cao như ông Jang chứng tỏ một sự “sụp đổ về quyền lực” và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang tự đẩy mình vào thế khó.

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng việc một nhân vật tương đối ôn hòa và có thiên hướng cải cách kinh tế như ông Jang có thể sẽ đẩy Triều Tiên quay trở lại con đường cứng rắn.

Chính phủ Hàn Quốc đã được thông báo về vụ việc này và họ đang chuẩn bị mọi phương án cho sự sụp đổ của Triều Tiên. Tuy nhiên một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho rằng hiện chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ sẽ có thay đổi lớn ở Triều Tiên trong thời gian trước mắt, tuy nhiên tình hình đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Căn cứ vào bối cảnh chính trị Triều Tiên, các nhà phân tích cho rằng ông Jang sẽ không có khả năng quay trở lại nắm quyền, và khi thiếu đi sự trợ giúp của chú và cô của mình, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát quyền lực hoặc có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng chống đối từ bên trong.

Với sự kiện này, nền chính trị ở Triều Tiên vẫn có nguy cơ xảy ra biến động lớn, và các tướng lĩnh diều hâu trong quân đội sẽ ít bị kiểm soát hơn trong việc tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hoặc phóng một quả tên lửa tầm xa khác, và cả hai khả năng này đều không phải là tin tức tốt đẹp gì cho Hàn Quốc.

Hiện các quan chức Hàn Quốc mà nòng cốt là Cơ quan Tình báo Quốc gia vẫn đang nỗ lực tìm hiểu xem ai và động cơ nào đằng sau vụ phế truất ông Jang để dự đoán các động thái tiếp theo của Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Chosun) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN