"Hạn chế xe ngoại tỉnh là học từ Trung Quốc"

“Việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội thực ra là học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Singapore, vì các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam…”.

Ngày 20/9, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ GTVT (cơ quan phối hợp với Sở GTVT Hà Nội), khẳng định đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” chưa trình các cơ quan bộ, ngành.

Hiện cơ quan này đang phối hợp Sở GTVT Hà Nội tổ chức làm báo cáo phục vụ hội thảo xin ý kiến xây dựng đề án trên.

Liên quan đến thông tin dự thảo đề án có nội dung hạn chế xe các tỉnh vào nội đô, ông Mười cho rằng đó là nội dung trong báo cáo phục vụ hội thảo. Việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội thực ra là học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Singapore, vì các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam:

“Tuy nhiên, không phải chúng ta bê nguyên mà có chắt lọc để xin ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia hội thảo…” - ông Mười khẳng định.

"Hạn chế xe ngoại tỉnh là học từ Trung Quốc" - 1

Các cơ quan chức năng cho rằng việc hạn chế xe từ các tỉnh vào nội đô sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Ảnh: PHI HÙNG

Ông Mười cũng cho rằng việc hạn chế xe phải có lộ trình. Cụ thể, khi nào các phương tiện vận tải công cộng được nâng lên lúc đó mới thực hiện hạn xe cá nhân, chứ không phải đùng cái là mình hạn chế thì người dân đi bằng gì.

"Chúng tôi vẫn nhấn mạnh với Hà Nội, xe buýt vẫn là phương tiện xương sống cho đến năm 2030. Vì vậy, phải tập trung phát triển kết cấu mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt để phù hợp với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân có thể xảy ra. Mục tiêu của đề án không phải là cấm phương tiện cá nhân mà quản lý và hạn chế để phù hợp với tình hình giao thông" - ông Mười khẳng định.

Liên quan đến nội dung hạn xe cá nhân, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng hiện vận tải hành khách công cộng phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, do đó phương tiện cá nhân phát triển là điều tất yếu, đúng quy luật.

"Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và tôi đồng tình và ủng hộ việc thực hiện đề án hạn chế xe máy và hạn chế ô tô một cách hợp lý. Tuy nhiên, cấm xe máy chỉ được thực hiện khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân.

Từ đó, đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng. Kinh nghiệm các nước cho thấy phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy”- ông Liên nói.

Trước đó, trong báo cáo gửi cho các chuyên gia để chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã đưa ra lộ trình hạn chế xe vào thành phố.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2020) sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, tết.

Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023) sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG (Pháp luật TP.HCM)
Hạn chế phương tiện cá nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN