Hạn chế xe cá nhân: Không có chuyện "tráo khái niệm"

Đề án Phát triển hài hòa các phương thức vận tải tại các thành phố lớn của VN sau khi được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, đã được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, có không ít ý kiến trái chiều.

Tiếp tục làm rõ về vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng Đề án không đi đúng trọng tâm Chính phủ giao là  hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tại các thành phố  lớn. Thậm chí, riêng cái tên, đã có một số báo cho rằng có sự đánh tráo khái niệm.  Bộ GTVT đang “né” vấn đề gai góc là hạn chế phương tiện cá nhân vì ngại bị dư luận phản ứng? 

Hạn chế xe cá nhân: Không có chuyện "tráo khái niệm" - 1

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

Thực hiện Nghị quyết 88, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nhiệm vụ xây dựng đề án với mục đích giảm ùn tắc giao thông và tăng cường đảm bảo ATGT, trong đó có nhấn mạnh giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân (PTCGCN). Trước đây Bộ GTVT đặt tên đề án theo giải pháp. Song để đảm bảo thực hiện mục tiêu của đề án theo Nghị quyết 88, hạn chế sử dụng PTCGCN chỉ là 1 giải pháp. Nhận thấy nhiệm vụ này có ảnh hưởng xã hội lớn, tác động đến hàng triệu người dân, do đó, ngay tên gọi cũng như các giải pháp đề xuất cũng hết sức thận trọng, cần thể hiện thật rõ ràng ý nghĩa, mục tiêu phải hướng tới.

  Vì vậy, Bộ GTVT qua thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án này. Với tên gọi, cách trình bày các giải pháp, đề án đã nhấn mạnh tính toàn diện, bao gồm các giải pháp - trong đó đảm bảo tăng hợp lý giao thông công cộng (GTCC) hài hòa với việc kiểm soát hợp lý PTCGCN, ở một mức độ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế chung của cả nước và tình hình phát triển đô thị, tình hình giao thông các TP lớn. Xin khẳng định là mục tiêu mà Chính phủ giao cho Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương thực hiện là không có gì thay đổi.

Có việc Bộ GTVT đề xuất một số loại cước, phí mới sẽ thu với xe cá nhân, và áp dụng bắt đầu từ năm 2015 như một số báo đã phản ánh không, thưa ông?

Tôi xin khẳng định là Bộ GTVT không đề xuất thu bất cứ loại cước, phí mới nào. Trong phần tổ chức thực hiện, Bộ GTVT chỉ đề xuất Thủ tướng giao các thành phố lớn áp dụng linh hoạt hơn với phí trông giữ xe hiện nay theo từ trung tâm ra ngoại thành; Và Bộ Tài chính cũng áp dụng linh hoạt với phí sử dụng đường bộ hiện nay, theo mật độ tham gia giao thông. 

Đây là giải pháp ngăn “giọt nước tràn ly”. Tức là điều tiết ở mức độ có thể chấp nhận được, một tỷ  lệ hợp lý nhu cầu người dân sử dụng xe cơ giới cá nhân tại khu vực trung tâm và những tuyến đường và chỉ trong những thời điểm nhất định mà giao thông tập trung quá cao, khả năng ùn tắc lớn. Quan điểm đưa ra đề xuất này của Bộ GTVT là có lợi nhất cho đa số người dân tại các thành phố lớn. Mỗi người dân có nhu cầu đi lại trong thành phố  rất lớn như đi làm, đi chơi, thăm hỏi... Tuy nhiên, khi tình trạng quá tải, ùn tắc đã xuất hiện thì cần cân nhắc điều chỉnh những nhu cầu chưa thiết yếu ra ngoài giờ cao điểm, hoặc chấp nhận đi xe buýt, chấp nhận mức phí giữ xe lớn hơn tại trung tâm nếu có nhu cầu bắt buộc đi xe cá nhân vào giờ cao điểm...

Hạn chế xe cá nhân: Không có chuyện "tráo khái niệm" - 2

Tại sao Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hài hòa các phương thức vận tải: Cá nhân, xe buýt, đường sắt trên cao, nhưng ngay từ  năm 2015 đã áp dụng các biện pháp hạn chế xe cá nhân? 

Nhu cầu đi lại của người dân, trong điều kiện lưu lượng phương tiện chưa quá cao, thì phương tiện đáp ứng 24/24h trong ngày và 365/365 ngày trong năm, ở đất nước nào cũng là xe cá nhân.  

"Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh,  nếu giao thông chỉ tăng thêm 5% ở khu vực đô thị lõi có khi đã gây tắc nghẽn, trong khi các khu vực ở xa có thể tăng 10-15% cũng chưa quá bức xúc. Do đó cần nghiên cứu phân thành các khu vực để có ứng xử khác nhau”.

Tiến sỹ Đinh Thị Thanh Bình
Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT trường Đại học GTVT HN

Tuy nhiên, với mức độ gia tăng PTCGCN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới trên 15% mỗi năm như hiện nay, thì đến  năm 2015 khu vực trung tâm và một số tuyến phố chính sẽ tắc nghẽn vào giờ cao điểm là chắc chắn. Do đó, việc kiểm soát dòng xe tại đây trong giờ cao điểm là bắt buộc phải áp dụng nhưng với mức độ hợp lý. Có như vậy, xe buýt,  xe buýt nhanh thay thế tại đây từ  năm 2015 trở đi mới có thể hoạt động được. Để tiến dần đến năm 2020, khoảng 25% số chuyến đi hàng ngày trong các đô thị sẽ sử dụng giao thông công cộng cùng với khoảng 20% số chuyến đi bằng xe đạp và đi bộ. Điều này có nghĩa là, chúng ta cố gắng thay đổi cơ cấu phương tiện đi lại trong các đô thị. Hiện nay, 80% người dân vẫn đang sử dụng PTCGCN thì đến năm 2020 giảm còn 55% là được. 

Tại sao chúng tôi lại đề xuất như vậy? Một là, các đề án phát triển xe buýt đã và đang được thực hiện. Hà Nội hiện đã có Đề án 3462 phát triển các phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt từ nay đến năm 2015 và định hướng đến  năm 2020. Trong đó, có quy định rõ xe buýt phát triển như thế nào, bao nhiêu tuyến, tần suất thay đổi, phân cấp ra sao… Khi các địa phương quyết định và có đề án thực hiện thì chắc chắn năng lực và hiệu quả sẽ được thay đổi và nâng lên. Hai là, hiện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các tuyến buýt nhanh và đường sắt đô thị. Từ nay đến năm 2020, mỗi thành phố sẽ có khoảng 2-3 tuyến buýt nhanh và 2 tuyến đường sắt đô thị.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN