Hạm đội tàu ngầm Kilo – Bước đi khôn ngoan của Việt Nam

Theo tờ The Diplomat, một trong những lý do (mà Trung Quốc không dám công bố) khi rút giàn khoan HD-981 khỏi vùng biển Hoàng Sa là do họ buộc phải rất dè chừng đối với lực lượng tàu ngầm của Việt Nam.

Tác giả bài viết, Ankit Panda, cho rằng, những chiếc tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua của Nga là một phần trong chiến lược chiến tranh “bất đối xứng” mà Việt Nam đang áp dụng để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Hạm đội tàu ngầm Kilo – Bước đi khôn ngoan của Việt Nam - 1

Trong bài viết, The Diplomat khẳng định, chiến lược hải dương của Việt Nam là “chống tiếp cận, chống chiếm giữ” (thuật ngữ quân sự là A2/AD) bởi Hà Nội hiểu rằng luật pháp quốc tế, ASEAN hay sức ảnh hưởng của Mỹ cũng sẽ không thể ngăn cản được tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. “Người Việt Nam hiểu rằng họ phải dựa vào chính sức lực tự thân của mình để bảo vệ lãnh thổ và ngăn chặn bàn tay tham lam của Trung Quốc”, The Diplomat viết.

Cũng theo tờ báo có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) này thì mục tiêu trước mắt của chiến lược hải dương của Bắc Kinh cũng là chiến lược A2/AD nhưng để nhằm ngăn chặn và đối phó với Mỹ. Tiếp theo mới là bành trướng sức mạnh hải quân Trung Quốc ra khắp thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc phải đủ sức phòng vệ và ngăn chặn các chiếm hạm và tàu ngầm tối tân hơn của đối phương. Chính vì lẽ này mà Hải quân Trung Quốc mới mang cấu trúc của một lực lượng phòng thủ, không có được năng lực tấn công hay khống chế đối phương có chiến lược tầu ngầm hữu hiệu để chống xâm chiếm trong một chiến trường là vùng biển thuận lợi cho tàu ngầm.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược tăng cường khả năng chống tàu ngầm nhưng đó là một điểm yếu khó lòng khắc phục của hải quân nước này.

Cũng trên tờ The Diplomat, trong một bài viết khác, tờ báo này cho rằng hầu hết các loại vũ khí chống ngầm của Trung Quốc như tàu hộ tống 056, máy bay do thám Y-8 và các hệ thống sonar cảm biến âm thanh dưới nước đều phụ thuộc vào khoảng cách từ căn cứ đến chiến trường. Thêm vào đó, tàu ngầm lớp Kilo chạy diesel – điện của Việt Nam thuộc loại vận hành êm nhất. Tóm lại, với các tàu ngầm Kilo mua từ Nga, Việt Nam có thể xoay chuyển thế cân bằng lực lượng chiến thuật trên Biển Đông theo hướng có lợi cho mình.

Hạm đội tàu ngầm Kilo – Bước đi khôn ngoan của Việt Nam - 2

Lễ thượng cờ Tổ quốc trên tàu ngầm HQ-182 Hà Nội 

Theo bình luận của giới chuyên gia quân sự quốc tế, Việt Nam hiện có trang bị quân sự thua xa Trung Quốc nên chiến lược A2/AD bất đối xứng này đúng là một bước đi chiến lược khôn khéo để chống lại tham vọng bành trướng và xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Bắc Kinh. Hãng thông tấn Anh Reuters cho biết, giới ngoại giao quốc tế nói rằng họ đã thấy 2 chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của Việt Nam thường xuất phát từ căn cứ Cam Ranh, hoạt động tích cực ven bờ biển trong các nhiệm vụ huấn luyện. Chiếc Kilo thứ ba sẽ từ Saint Peterburg về Việt Nam trong tháng 11/2014 và đến năm 2016, cả hạm đội này sẽ có đủ 6 chiếc và có thể thực hiện chiến lược đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo giáo sư Colin Koh – Học viện nghiên cứu quốc tế tại Singapore cho rằng, chính hạm đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam đã khiến sự tính toán của Trung Quốc thêm phức tạp trong kế sách chiếm đoạt thêm đảo ở Trường Sa dù rằng lực lượng hải quân của họ lớn hơn nhiều với 70 tàu ngầm. “Chiến lược bất đối xứng cổ điển do các nước yếu áp dụng chống nước mạnh là điều mà người Việt Nam hiểu rất rõ. Vấn đề là liệu họ có thể hoàn chỉnh nó trong lòng đại dương rộng lớn hay không? Tất nhiên Hà Nội vẫn luôn khẳng định họ chỉ thi hành chiến lược phòng thủ nhưng quả thật công cuộc phòng thủ ấy đã khiến Bắc Kinh không thể manh động thêm và quay sang bắt nạt Philippines”, giáo sư Colin Koh nói.

Tuy hạm đội tàu ngầm Kilo là con bài chủ chốt của hải quân Việt Nam nhưng Hà Nội vẫn còn chú ý đến nhiều lĩnh vực quân sự khác. Trong chuyến thăm Nga mới đây của Tướng Phùng Quang Thanh, giới quốc phòng thế giới đã rộ lên tin đồn rằng Việt Nam sẽ tăng gấp đôi số lượng tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30 MK2, trang bị thêm tên lửa chống hạm.

Trong nhận định của mình về tiềm lực quốc phòng Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế khẳng định rằng, trong khi Nga là đối tác cung cấp trang thiết bị chủ yếu thì Ấn Độ lại cũng đang tỏ ra khá nhiệt tình trong việc huấn luyện nhân sự cho quân đội Việt Nam. Hải quân Ấn Độ vẫn đang chia sẻ với Việt Nam khả năng điêu luyện trong việc vận hành tàu ngầm Kilo. Có tin cho rằng, New Delhi đang chuẩn bị ký thỏa thuận huấn luyện phi công chiến đấu cho Việt Nam. Cùng với đó là bản hợp đồng bán tên lửa siêu thanh chống hạm lợi hại nhất thế giới BrahMos giữa Hà Nội và New Delhi sẽ khiến cho Trung Quốc thêm phần lo lắng.

BrahMos là mẫu tên lửa siêu thanh chống tàu chiến, có tốc độ tối đa Mach 2,8, tầm xa từ 300-500km, có thể phóng từ mặt đất, tàu chiến, tàu ngầm hay máy bay chiến đấu, có khả năng chọn mục tiêu chuyên biệt giữa nhiều loại mục tiêu tương tự và đã được thử nghiệm với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Hạm đội tàu ngầm Kilo – Bước đi khôn ngoan của Việt Nam - 3

Có tin đồn cho rằng Việt Nam sẽ tăng gấp đôi số lượng tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30 MK2

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự quốc tế lại tỏ ra không hoàn toàn đồng ý với luận điểm cho rằng, chiến lược phòng thủ A2/AD của Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981 về nước. Theo một số ý kiến, hạm đội tàu ngầm chưa hoàn chỉnh của Việt Nam không “dọa” được Trung Quốc mà cái chính là sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong chính sách bảo vệ lãnh thổ, sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của giới lãnh đạo nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, châu Âu cùng một số nước ASEAN đã khiến Trung Quốc phải chùn tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Minh (Infonet.vn)
Tàu ngầm Kilo Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN