Hầm chui trăm tỷ “đắp chiếu”, dân leo dải phân cách
Đường vành đai 3 (Hà Nội) thông xe 4 năm nay, tuy nhiên 17 hầm chui dân sinh (hầm đi bộ sang đường) trên tuyến đường này được đầu tư hơn 100 tỷ đồng vẫn trong tình trạng dở dang. Cùng với đó, hệ thống vỉa hè tại nhiều đoạn bị băm nát.
Trèo đường dẫn cầu vượt để sang đường
Theo thiết kế, nhằm giúp người dân và sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội sang đường, dự án đường vành đai 3 tại nút Mai Dịch cùng với cầu vượt có thêm hạng mục xây hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân đã thông xe 4 năm nay nhưng hạng mục hầm chui dân sinh tại nút Mai Dịch vẫn trong tình trạng dở dang.
Trong 4 năm qua, để qua được đường Phạm Văn Đồng vào trường học, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải trèo qua đường dẫn cầu vượt Mai Dịch để sang đường.
Sau 4 năm thông xe đường vành đai 3, hầm chui dân sinh vẫn ngổn ngang. Ảnh: Trọng Đảng
“Việc có đông sinh viên thường trèo qua dốc lên xuống cầu vượt vào giờ tan trường không chỉ gây ùn tắc mà còn rất nguy hiểm, vì các dòng xe lên xuống cầu thường chạy tốc độ rất nhanh”, đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Hà Nội cảnh báo.
Tại khu vực đường vành đai 3, đoạn qua Bảo tàng Hà Nội cũng được bố trí hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, do hầm xây dựng chưa xong nên suốt ngày khóa kín cửa. Đại diện Ban quản lý bảo tàng Hà Nội cho biết, không tính dịp lễ tết, ngày thường có hàng trăm người dân vào tham quan, nghiên cứu tại bảo tàng.
“Do hệ thống hầm chui dân sinh sang đường ở đây không thể hoạt động nên khách tham quan đặc biệt là sinh viên các trường đại học đến từ nội thành phải băng qua dải phân cách để sang đường”, đại diện Bảo tàng Hà Nội nói. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với hầm chui dân sinh tại số 68 đường Nguyễn Xiển.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mỗi hầm chui dân sinh trên tuyến đường vành đai 3 được đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 6 tỷ đồng, với 17 hầm chui, tổng vốn đầu tư là 102 tỷ đồng. Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) đã xác nhận thông tin này. |
Có mặt trên đường vành đai 3 sáng 18/9, PV Tiền Phong ghi nhận, trên toàn tuyến đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Pháp Vân có hơn 10 hầm chui dân sinh, nhưng tại nhiều vị trí có đông người dân qua lại, hầm chui lại không sử dụng được.
Nguyên nhân chính của việc này là hầm xây dựng chưa xong, hoặc có những bất hợp lý với đường ra vào.
Cụ thể, hầm chui dân sinh tại các khu vực cầu vượt Mai Dịch, Bảo tàng Hà Nội, số 68 Nguyễn Xiển hầu hết đã xây nhà kính, đổ mái che, lát đường dẫn lên xuống. Dẫu thế cửa ra vào suốt ngày bị khóa chặt, bên trong ngổn ngang vật liệu xây dựng khiến người dân không thể tiếp cận.
Với hầm chui dân sinh trước siêu thị BigC, nút giao vành đai 3 - Lê Văn Lương, nút giao vành đai 3 - Nguyễn Trãi, trước chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Nguyễn Xiển)…, do bậc thềm dẫn vào hầm xây quá cao, vỉa hè xung quanh bị bong lún, bùn nước nham nhở khiến người dân rất khó đi lại.
Trước 10/10 sẽ khắc phục xong
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân đã hoàn thành và thông xe vào năm 2010, hệ thống đường, vỉa hè cũng đã được bàn giao cho Sở GTVT để quản lý và tổ chức giao thông. Riêng hệ thống hầm chui dân sinh trên tuyến có 17 hầm nhưng Sở GTVT mới tiếp nhận hơn 10 hầm, những hầm còn lại xây dựng dở dang nên chưa thể tiếp nhận.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc hầm chui dân sinh hoàn thành chưa đồng bộ với đường vành đai 3 đã gây khó khăn cho việc qua lại của người dân, cùng với đó cũng làm ảnh hưởng đến việc quản lý, tổ chức giao thông chung của TP Hà Nội.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 18/9, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) cho biết, trong 17 hầm chui dân sinh thực tế, chỉ còn 3 hầm đang trong quá trình hoàn thiện, gồm: Hầm tại nút giao thông Mai Dịch, trước Bảo tàng Hà Nội, tại số 68 đường Nguyễn Xiển. Các hầm còn lại chủ đầu tư đã bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý, khai thác. “Với 3 hầm chui chưa hoàn thiện, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang đôn đốc đơn vị thi công trước 10/10 phải hoàn thành để bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý, khai thác”, ông Sơn khẳng định.