Hai vật thể lạ rơi xuống VN là thiết bị tên lửa?
Chuyên gia vệ tinh cho biết, khả năng 2 vật thể rơi ở Yên Bái và Tuyên Quang từ vệ tinh khó xảy ra.
Sáng 2.1 vừa qua, có 2 vật thể lạ hình cầu rơi xuống phía Bắc của Việt Nam. Một vật thể lạ rơi ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có đường kính 80cm, nặng 35kg, bên ngoài có ký tự lạ. Còn quả cầu rơi xuống xã Tân Đồng (Trấn Yên, Yên Bái) có đường kính 40cm, nặng 6kg, bên ngoài vỏ nhẵn.
Vật thể "lạ" rơi ở Yên Bái vào sáng ngày 2/1
Ông Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: “Những vật thể đó không phải là bộ phận của vật thể bay từ Việt Nam và chắc chắn vật thể này là do con người làm ra và của một phương tiện bay”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Thanh - Phòng Quản lý tổng hợp - Trung tâm Vệ tinh Quốc gia nhận định, với những thông tin ban đầu qua báo chí, hai vật thể rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang khó có khả năng là bộ phận rơi từ vệ tinh.
Theo ông Thanh, nếu rơi từ quỹ đạo vệ tinh thì khả năng sẽ khó còn nguyên dạng. Bởi vì vệ tinh thường nằm ở quỹ đạo khá cao so với mặt đất, tối thiểu từ 400 – 500km. Nếu có vật thể tách rời khỏi vệ tinh rơi xuống trái đất sẽ bị cháy ở tầng khí quyển rồi mới rơi xuống trái đất. Với những vật thể nhỏ thường bị cháy hết ở tầng khí quyển. Những vật thể to hơn hoặc bền hơn thì cũng có thể biến dạng hoặc va chạm mạnh khi tiếp đất.
Vật thể "lạ" rơi ở Tuyên Quang vào sáng ngày 2/1
Hiện nay, vật liệu hợp kim nhôm đang rất thông dụng trong chế tạo vệ tinh nhằm giảm trọng lượng và có độ bền, có khả năng chịu đựng được nhiệt độ, gia tốc, giữ nguyên hình dạng trong quá trình phóng vệ tinh. Tuy nhiên, chi phí chế tạo lớn nên tùy vào mục đích có thu hồi vệ tinh về mặt đất hay không để chọn độ bền vật liệu.
Khi được hỏi, nếu hai vật thể lạ ở Tuyên Quang và Yên Bái có thể là bình chứa hydro và oxy, ông Thanh nói, hai vật thể đó nhiều khả năng nằm ở các thiết bị tên lửa như tên lửa đẩy vệ tinh, tên lửa quân sự hoặc các thiết bị bay quỹ đạo thấp như máy bay, khí cầu,…