Hai Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, có hai nhà cách mạng giữ chức Tổng Bí thư khi mới ở tuổi 26.

Trường hợp thứ nhất là Nhà cách mạng Trần Phú (1904-1931), ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Ông quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (đồ họa VOV)

Ông Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (đồ họa VOV)

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3/2/1930), tháng 4/1930, ông Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng và có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Với công lao và đóng góp to lớn đó, ông đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Năm đó ông mới 26 tuổi.

Tuy nhiên đến tháng 4/1931, ông bị địch bắt ở Sài Gòn (nay là TP.HCM). Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dã man, xảo quyệt nhưng không khuất phục được Người chiến sĩ Cộng sản trung kiên Trần Phú. Sự tra tấn và đày ải của kẻ thù đã cướp đi Tổng Bí thư Trần Phú vào ngày 6/9/1931, năm đó ông 27 tuổi.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phong trào cách mạng phát triển mạnh, đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930-1931), trước tình hình đó Thực dân Pháp đã khủng bố mạnh nên các chiến sĩ Cộng sản lần lượt bị bắt. Có một thời kỳ từ 1931 - 1935, Đảng ta không có Ban Chấp hành Trung ương, không có Tổng Bí thư.

Đến năm 1934, mới lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài (tức là ngoài nước) do ông Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập làm chức năng nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương, từng bước khôi phục tổ chức Đảng rồi chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng vào tháng 3/1935.

Đại hội lần thứ nhất được tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc), Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 uỷ viên (9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết), ông Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Trường hợp thứ hai cũng giữ trọng trách Tổng Bí thư ở tuổi 26 là Nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ. Ông sinh năm 1912, quê Từ Sơn, Bắc Ninh, ông là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Ông giữ chức Tổng Bí thư vào tháng 3/1938, những năm 1936-1939 là thời kỳ thế giới có những biến động lớn. Chủ nghĩa phát xít ngông cuồng ra sức chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Chủ nghĩa đế quốc tận lực khai thác, bóc lột các thuộc địa, đàn áp dã man phong trào cách mạng, chuẩn bị đối phó với chiến tranh. Đứng trước bối cảnh lịch sử mới, Đảng ta cần có sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn, kịp thời. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, vạch ra sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược và sách lược cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên cao trào trong những năm sau đó.

Theo PGS – TS Nguyễn Trọng Phúc, giữa lúc cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng cần những cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ lại bị mật thám bắt. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng kẻ thù không lay chuyển được khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ. Bất lực, chúng đã xử bắn ông tại Hóc Môn – Gia Định, sáng ngày 28/8/1941.

Nguồn: [Link nguồn]

T.Ư thống nhất cao về một số nhân sự thuộc ”trường hợp đặc biệt”

BCH T.Ư khóa XII đã thống nhất cao lựa chọn một số thuộc “trường hợp đặc biệt”, cả với nhân sự tái ứng cử và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PVCT ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN