“Hái ra tiền” nhờ đất nghĩa trang
Với truyền thống “sống cái nhà, chết cái mồ”, nhiều người dân đô thị ở TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn muốn được về với đất sau khi từ giã cõi đời khiến nhu cầu về đất nghĩa trang tăng mạnh.
Những năm gần đây, các nghĩa trang nhà nước ở TP.HCM và các đô thị lân cận ngày càng thu hẹp do thiếu đất thì ngành kinh doanh nghĩa trang tư nhân bắt đầu phát triển.
Đất kề nghĩa trang phân lô bán huyệt
Anh Phương Anh (ngụ ở Q.3, TP.HCM) có mộ ông bà nội và một người chú đã chôn từ lâu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Nay nghĩa trang này chuẩn bị giải tỏa, gia đình giao cho anh nhiệm vụ tìm một miếng đất để cải táng mộ ông bà và chú, đồng thời tìm sẵn chỗ cho dòng họ sau này có thể yên nghỉ quây quần với ông bà. Sau cả tháng tìm kiếm, cuối cùng anh Phương Anh cũng tìm được một miếng đất rộng tại khu nghĩa trang tư nhân cạnh nghĩa trang Gò Dưa (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức).
Những ngôi mộ ở Sơn Trang Tiên Cảnh (Tây Ninh)
Theo lời anh Phương Anh, chúng tôi thử tìm về nghĩa trang Gò Dưa, một trong những nghĩa trang lớn của TP.HCM. Ông Phạm Văn Bảy, trưởng Ban quản lý nghĩa trang Gò Dưa, cho hay: “Đất nghĩa trang nhà nước đã hết, nhưng nghĩa trang tư nhân xung quanh đây thì bao nhiêu cũng có. Chỉ có giá hơi cao”. Theo ông Bảy, quanh nghĩa trang Gò Dưa có đến 12 nghĩa trang tư nhân có diện tích khoảng 23ha. Có nghĩa trang mang danh là của các hội, chùa như hội Thanh Hòa, chùa Quảng Bình, cũng có nghĩa trang của thuần tư nhân như nghĩa trang ông Phước, nghĩa trang ông Dũng... Có khu chỉ vài ngàn mét vuông nhưng có khu rộng cả mấy hecta.
Theo ông Phước, chủ một nghĩa trang tư nhân, khoảng năm 1990 nghĩa trang Gò Dưa đã hết chỗ tốt, nhiều gia đình có hậu sự đến đặt vấn đề mua đất huyệt với những nhà dân có đất giáp ranh nghĩa trang. Ban đầu chủ đất chỉ nhận tiền hậu tạ tượng trưng vài ba trăm ngàn đồng cho một huyệt. Sau đó, ngày càng nhiều người xin chôn nên các chủ đất bắt đầu nghĩ đến chuyện phân lô để bán huyệt. Thấy việc bán đất huyệt có lời, một số người từ nơi khác đã đến mua đất nông nghiệp cạnh nghĩa trang, xin phép chính quyền chia lô bán huyệt. Ông Phước chào hàng: “Mua đất ở đây được nằm vĩnh viễn. Vì khu này có nhiều mộ người thân của các cán bộ cao cấp của TP và trung ương, không thể bị giải tỏa như ở Bình Hưng Hòa đâu”. Đi hỏi quanh những nghĩa trang tư nhân, một huyệt mộ diện tích khoảng 6m2 có giá 45-60 triệu đồng tùy nơi. Thân nhân người chết muốn mua huyệt kiểu gì cũng có: huyệt đơn, huyệt đôi, khu đất cho cả dòng họ, hướng dựa lưng hoặc quay đầu về núi, hướng bắc, hướng nam... Người mua càng khó tính thì giá đất huyệt... càng cao.
Tương tự, nhiều khu đất quanh các nghĩa trang ở Củ Chi như nghĩa trang xã Phú Hòa Đông cũng nhanh chóng phân lô bán huyệt từ khoảng năm năm nay. Ông Lân, một chủ đất tư nhân kế nghĩa trang Phú Hòa Đông, dẫn chúng tôi đi xem mấy căn mộ họ tộc được xây rào kiên cố trong khu đất hơn cả hecta rồi bảo: “Toàn là người thành phố lên mua đất xây mộ gia tộc không đó. Một miếng 1,5mx 4m ở đây tui lấy giá 20 triệu đồng. Mua nhiều miếng thì tui giảm cho chút ít...”. Hỏi một vòng, kể cả ông Lân thì xung quanh nghĩa trang còn có ba người khác cũng có đất đang phân theo lô huyệt, sẵn sàng bán cho ai có nhu cầu.
Quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng có khoảng 40 nghĩa trang tư nhân với đủ hình thức như của hội đồng hương, hội tương tế, nghĩa trang Hai Kẹo... Mang danh nghĩa là vậy nhưng không cần là thành viên của các hội hay đoàn vẫn mua được một huyệt mộ trong các khu nghĩa trang tư nhân này với giá 30-70 triệu đồng/huyệt mộ. Từ năm 2008 đến nay, nghĩa trang Bình Hưng Hòa bị đóng cửa nên những nghĩa trang tư nhân cũng bị ngừng tiếp nhận chôn cất người chết.
Kinh doanh nghĩa trang
Dân số ở các đô thị ngày càng đông, nhu cầu về đất nghĩa trang cũng theo đó tăng lên rất nhiều lần. Lợi nhuận của lĩnh vực kinh doanh đất nghĩa trang đã lấn át quan niệm xấu về nơi này và bắt đầu thu hút các doanh nghiệp.
Một trong những nghĩa trang tư nhân đầu tiên của khu vực lân cận TP.HCM là nghĩa trang Gò Đen ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Ban đầu UBND huyện chỉ định thành lập một nghĩa trang nhà nước để người dân có nơi chôn cất tập trung, không phải chôn người chết trong vườn nhà hoặc trong đất ruộng như xưa nay. Tuy nhiên, công ty dịch vụ công ích của huyện này đang làm giữa chừng thì... bí vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, lãnh đạo huyện quyết định mời gọi tư nhân vào đầu tư. Ông Liễu Bình Chiến, giám đốc nghĩa trang Gò Đen, kể lại: “Từ lâu tui đã thích mô hình nghĩa trang công viên của các nước trên thế giới và cũng muốn có một khu mộ cho gia tộc nằm trong không gian yên tĩnh, xanh đẹp như vậy. Năm 2006, khi nghe huyện có chủ trương cần nhà đầu tư tư nhân để giải phóng mặt bằng và làm nghĩa trang cho huyện ở khu vực nghĩa trang Gò Đen bây giờ, tui đăng ký làm ngay”.
Từ năm 2006 đến nay nhiều nghĩa trang tư nhân có giấy phép, có quy hoạch đàng hoàng đã mở cửa khắp các tỉnh xung quanh TP.HCM với những lời quảng bá có cánh về nơi yên nghỉ ngàn thu. Phổ biến nhất vẫn là loại hình nghĩa trang kết hợp với công viên, nghĩa trang sinh thái, kết hợp nghĩa trang với cảnh quan, bảo vệ môi trường... Những nghĩa trang kết hợp công viên có thể kể đến như Hoa Viên nghĩa trang ở huyện Bến Cát (Bình Dương), An Viên Vĩnh Hằng ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Sơn Trang Tiên Cảnh ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh)... Chủ đầu tư của những nghĩa trang tư nhân không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà có cả doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Fairy Park (Malaysia) là chủ đầu tư của Sơn Trang Tiên Cảnh. Một tập đoàn Hàn Quốc từng thăm dò và xin đầu tư một nghĩa trang tư nhân ở Long An nhưng không thành.
Để giới thiệu đến công chúng, các chủ đầu tư không ngần ngại quảng bá hình ảnh nghĩa trang bằng những chiêu thức khác nhau. Hoa Viên nghĩa trang Bình Dương cho nhân viên “tiếp thị” dịch vụ nghĩa trang đến từng cơ sở mai táng trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Thuận An, Bến Cát... Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng mời nghệ sĩ nổi tiếng để quảng bá hình ảnh nghĩa trang và giới thiệu trên truyền hình. Còn Sơn Trang Tiên Cảnh lập trang web để giới thiệu trên Internet, quay một đoạn video ngắn về một sơn trang đã thành công tại Malaysia và đưa lên mạng YouTube.
Mỗi năm ở ba tỉnh thành TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai có hơn 60.000 người chết cần vài chục hecta đất để làm nghĩa trang. Theo dự kiến, đến năm 2050 ba tỉnh thành này sẽ có khoảng 900ha đất dành cho các dự án nghĩa trang kết hợp với công viên. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) đến năm 2015 phải hoàn tất việc di dời Theo quy hoạch chung của TP.HCM, ngoài việc nâng cấp các nghĩa trang cũ như nghĩa trang Đa Phước, nghĩa trang TP tại Củ Chi và nghĩa trang liệt sĩ tại quận 9 có tổng diện tích gần 200ha, TP cũng sẽ xây dựng mới hàng loạt nghĩa trang ở quận 9, các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi với tổng diện tích gần 170ha. |