Hai ngôi làng trăm năm trai gái “nhịn yêu” ở Nam Định: Bát hương ngăn tình đôi lứa

Chỉ vì giao ước giữa 2 làng sau khi Tức Mặc xin một bát hương của Thượng Lỗi về thờ khiến cho các đôi trai gái hàng trăm năm không thể lấy nhau.

Đình làng Tức Mặc – nơi đang thờ thành hoàng làng Vương Thị Thục Côn công chúa.

Đình làng Tức Mặc – nơi đang thờ thành hoàng làng Vương Thị Thục Côn công chúa.

Bát hương chị - Bát hương em

Hàng trăm năm qua, trai gái 2 làng Thượng Lỗi và Tức Mặc (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) không yêu đương, không lấy nhau vì một tục lệ truyền kiếp của 2 làng.

Cầm cuốn gia phả của làng ra, Trần Văn Hiếu – Bí thư thôn Tức Mặc cho hay, tục lệ này bắt nguồn từ một điển tích của làng. Ông lật từng trang một, vừa lật vừa kể cho chúng tôi nghe.

Xưa kia, làng Tức Mặc có gia đình cụ Phạm Khang, có cô con gái tên là Phạm Thị Thục Côn. Bà Thục Côn rất giỏi võ và có tài đánh trận dưới nước. Biết được tiếng tăm của bà Thục Côn, 2 chị em vua bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đã thâu nạp và trọng dụng. Trong thời gian đi theo 2 Bà Trưng đánh quân giặc, bà Thục Côn đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù.

Đến năm Quý Mão 43, quân Nam Hán cử tướng Mã Viện sang nước ta giao chiến. Hai Bà Trưng thất thủ, bà Thục Côn vì không muốn bị giặc bắt đã nhảy xuống sông tuẫn tiết.

“Xác của bà trôi về phía làng Thượng Lỗi. Cảm phục lòng quả cảm của vị tướng này, người dân Thượng Lỗi đã vớt xác bà lên, chôn cất và lập đền thờ…”, ông Hiếu nói.

Sau đó khoảng 1.000 năm sau, vào thời nhà Lý năm 1138, có viên quan Lý Triều Công được triều đình cử đi đánh giặc đang chiếm đóng ở gần làng Thượng Lỗi. Khi ngang qua làng, thấy đền thờ bà Thục Côn, viên quan liền vào khấn vái để mong bà phù hộ cho trận đánh tới sẽ thắng lợi. Quả thực, trận đánh đó, Lý Triều Công giành thắng lợi vẻ vang, diệt tan quân giặc.

Ban thờ uy nghi, lộng lẫy của Vương Thị Thục Côn công chúa.

Ban thờ uy nghi, lộng lẫy của Vương Thị Thục Côn công chúa.

Nhớ ơn bà Thục Côn, Lý Triều Công quay lại đền bà Thục Côn dâng hương cảm tạ. Sau đó, Lý Triều Công còn xin triều đình phong vương cho bà Thục Côn thành Vương Thị Thục Côn công chúa.

Mãi sau này, khi Lý Triều Công mất, dân làng Thượng Lỗi biết ơn ông đã đánh tan giặc dữ, đem lại bình yên cho xóm làng nên cũng lập đền thờ ông. Rồi người làng đưa cả 2 vị tướng vào thờ phụng ở đình làng và coi họ như chị em dù bà Thục Côn hơn ông Lý Triều Công cả nghìn năm tuổi. Bát hương chị để trên, bát hương em để dưới.  

Xin nhầm bát hương

Kể từ ngày có 2 vị thành hoàng làng, làng Thượng Lỗi mưa thuận gió hòa, nhiều gia đình làm ăn khấm khá, đời sống người dân sung túc.

Đình làng Tức Mặc khi đó dù nằm trong Thái ấp thiên triều phủ Thiên Trường nhưng lại không có thành hoàng làng. Thấy làng Thượng Lỗi có 2 vị thành hoàng làng, người dân Tức Mặc mới sang xin một bát hương về để thờ cúng.

Do chia sẻ bát hương nên 2 làng Tức Mặc và Thượng Lỗi kết nghĩa khiến các đôi trai gái bị cản trở trong chuyện tình cảm.

Do chia sẻ bát hương nên 2 làng Tức Mặc và Thượng Lỗi kết nghĩa khiến các đôi trai gái bị cản trở trong chuyện tình cảm.

Người dân làng Thượng Lỗi cũng hào phóng và đồng ý cho làng Tức Mặc bát hương của người em – tức ông Lý Triều Công. Dân làng Tức Mặc tổ chức lễ rước linh đình, kiệu khiêng, kèn trống tưng bừng.

“Thông thường, bát hương chị để ở trên, bát hương em để dưới. Nhưng không biết vì lý do gì đó mà 2 bát hương bị đảo lộn. Dân làng chúng tôi đi xin thì chỉ dám xin cái dưới, ai ngờ về lại ra bát hương chị”, ông Hiếu – Bí thư thôn Tức Mặc cho hay.

Dân làng Thượng Lỗi cũng không trách móc gì chuyện nhầm lẫn bát hương. Kể từ đó, 2 làng Thượng Lỗi và Tức Mặc kết giao “chị-em” với nhau. Họ đặt ra quy ước, vì 2 thành hoàng làng đã kết nghĩa, vì vậy, trai gái 2 làng sẽ không được yêu đương hay lấy nhau mà phải coi nhau như anh chị em, máu mủ, ruột già.

Ông Trần Văn Hiếu - Bí thư thôn Tức Mặc.

Ông Trần Văn Hiếu - Bí thư thôn Tức Mặc.

Cứ thế, trải qua hàng trăm năm, người dân 2 làng sống hòa thuận, dù sát vách nhưng chẳng khi nào có đôi trai gái của 2 làng kết hôn. Người trước truyền người sau, ông bà, bố mẹ truyền cho con cháu, điển tích về 2 vị thành hoàng làng kết nghĩa chị em đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Bây giờ cứ ba năm một lần, vào ngày 24/11 Âm lịch những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân 2 làng lại tổ chức rước bát hương từ làng này sang làng kia thăm nhau. Cứ thay phiên nhau làm, lần này Thượng Lỗi rước qua thì lần tới Tức Mặc rước lại. Các cụ cao niên hai làng ngồi quây quần trong sân đình gợi nhắc mối kết nghĩa thân tình chị em hai làng để ghi nhớ và truyền đạt cho con trẻ sau này.

“Ngày xưa, khi rước bát hương, thường thì để lại 1 đêm để chị-em được ở gần nhau, hàn huyên nhưng bây giờ do không gian đình chật hẹp, việc lễ rước cũng được rút gọn nên rước chị lên hay đón em về thì chúng tôi chỉ tổ chức trong ngày”, ông Hiếu chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Hoàn Như ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN