Hai kịch bản của bão Trà Mi ra sao?
Kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là bão Trà Mi sẽ đi áp sát bờ biển các tỉnh miền Trung, sau đó quay ngược ra biển. Ở kịch bản thứ hai, bão đi vào đất liền và tan dần. Cả hai kịch bản đều gây mưa lớn cho miền Trung nhưng cường độ và phạm vi khác nhau.
Vào 13 giờ chiều nay (25/10), tâm bão trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Những giờ qua, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo trong hai ngày 25-26/10, bão di chuyển ổn định theo hướng tây và tây tây nam, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục mạnh lên.
Đến 13h ngày 26/10, tâm bão trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa với cường độ mạnh bão cấp 11-12, giật cấp 15.
Sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, bão tương tác với khối không khí lạnh tràn xuống từ phía Bắc khiến quỹ đạo trở nên phức tạp, khó lường. Cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định hai kịch bản có thể xảy ra.
Bão Trà Mi có thể chạm bờ trước khi quay ngược ra biển. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Ở kịch bản thứ nhất, sau khi tương tác với không khí lạnh, bão di chuyển chậm lại theo hướng tây tây nam và bắt đầu suy yếu. Đến 13h ngày 27/10, tâm bão trên khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông Bắc với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Sau đó, bão chuyển hướng theo hướng tây nam, chạm vào bờ ở khu vực Huế - Quảng Nam rồi đổi hướng đông đông nam, tiếp tục đổi hướng đông và ngược ra biển. Sau khi ra biển, tàn dư bão hình thành một dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông, gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh miền Trung. Xác suất của kịch bản này khoảng 60%.
Ở kịch bản thứ hai, sau khi tương tác với không khí lạnh từ phía Bắc, bão suy yếu, di chuyển vào đất liền và tan dần. Kịch bản này có xác suất khoảng 30%.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phúc Lâm, dù diễn biến bão theo kịch bản nào thì khu vực miền Trung, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ hứng chịu một đợt mưa lớn kéo dài.
Mưa bắt đầu từ chiều tối và đêm 26/10, kéo dài đến khoảng ngày 28/10, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong khoảng 3 giờ.
Khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên thời gian này cũng có mưa to, cục bộ xuất hiện mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Do mưa lớn dồn dập trong một thời gian ngắn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị.
Trên biển, do ảnh hưởng của bão Trà Mi, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m, biển động dữ dội.
Từ gần sáng ngày 27/10, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bão Trà Mi hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão vào 22/10, đi vào Biển Đông từ chiều 24/10. Đây được nhận định là cơn bão có hướng di chuyển kỳ dị, khó lường nhất từ đầu mùa. Người dân cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Bão Trà Mi dù đã vào Biển Đông nhưng vẫn tương tác với hoàn lưu cơn bão mới hình thành ngoài Biển Đông.