Hãi hùng án chém đầu ở Ả-rập Xê-út

Xử trảm, một hình thức trừng trị tàn khốc tưởng chừng chỉ có ở xã hội phong kiến song vẫn tồn tại ở một số quốc gia ngày nay, thường khiến những người chứng kiến phải ngất xỉu.

Gần đây, thỉnh thoảng lại có tin tức về việc một tội nhân nào đó bị xử tử bằng hình phạt chém đầu. Những thông tin đó dễ khiến người ta phải giật mình nhìn lại cái gọi là văn minh của loài người và của thế giới ngày nay.

Loạt bài này hé mở phần nào về thân phận của những tội nhân bị xử chém, tâm sự của các đao phủ, và cho thấy thế giới phản ứng như thế nào trước loại hình phạt khốc liệt này.

Mới đây, Rizana Nafeek, một vú em trẻ tuổi đến từ đất nước Sri Lanka, đã bị toà án Ả-rập Xê-út tuyên án tử hình bằng hình thức chặt đầu vì làm đứa bé 4 tháng tuổi chết ngạt vào năm 2005, lúc cô chỉ mới 17 tuổi. Bộ Nội vụ cho biết Nafeek đã bị hành quyết trước công chúng ở Dawadmy, một vùng ngoại ô đầy bụi bặm của thủ đô Riyadh.

Trong thời kỳ hiện đại, các tử tù Ả-rập Xê-út thường bị hành quyết bằng phương pháp xử bắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, hình thức chặt đầu lại trở nên khá phổ biến, theo luật Hồi giáo Sharia.

Khoảng 82 trường hợp như vậy được thực hiện ở Ả-rập Xê-út vào năm ngoái, theo Tổ chức Ân xá quốc tế, phần lớn số đó là người nước ngoài giống Nafeek.

Hãi hùng án chém đầu ở Ả-rập Xê-út - 1

Cảnh hành quyết một người giúp việc Indonesia vào ngày 18/6/2011. Thi thể cô sau đó đã bị treo trên chiếc trực thăng cho mọi người chứng kiến. (Nguồn: PressTV/YouTube)

Cái chết bằng cách chặt đầu là một cảnh tượng vô cùng đáng sợ. “Có rất nhiều người đã ngất xỉu khi chứng kiến những cuộc hành quyết đó. Tôi không biết lý do tại sao họ vẫn đến và xem trong khi không có ‘tinh thần thép’”, một đao phủ hàng đầu Ả-rập Xê-út chia sẻ trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2003 trên tờ Arab News.

Theo ông, hành vi này được điều chỉnh bởi các quy tắc nhất định. Ả- rập Xê-út là một trong số ít các quốc gia công khai quá trình hành quyết. Nó thường diễn ra ở nơi công cộng, phổ biến là tại quảng trường hoặc nơi gần nhà tù. Phạm nhân cũng như đao phủ đều mặc đồ màu trắng. Tử tù bị bịt mắt, còng tay và thường được cho uống thuốc an thần trước đó. Một tấm bạt bằng nhựa rộng khoảng vài mét trải xung quanh khu vực phạm nhân bị hành quyết giúp xóa sạch các vũng máu và dễ dàng thu lại phần đầu của phạm nhân.

“Tử tù bị trói và bịt mắt. Tôi thi hành án với một nhát kiếm”, đao phủ Muhammad Saad al-Beshi nhớ lại lần thi hành án đầu tiên trong đời. Al-Beshi cho biết có lúc ông đã thực hiện án phạt ghê rợn ấy với 10 người chỉ trong một ngày, bằng cả kiếm và đạn. “Nó phụ thuộc vào yêu cầu của nhà chức trách. Đôi khi, họ yêu cầu tôi sử dụng một thanh kiếm và đôi khi là một khẩu súng nhưng phần lớn là kiếm”, ông nói.

Đao phủ và một số nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đứng 2 bên, cùng cầu nguyện với phạm nhân trước khi tiến hành hình phạt.

Hãi hùng án chém đầu ở Ả-rập Xê-út - 2

Tử tù bị bịt mắt, còng tay và mặc đồ màu trắng giống như đao phủ. (Nguồn: onlanka.com)

Công cụ sử dụng là một thanh mã tấu theo truyền thống dài khoảng từ 1m đến 1,3m. Al-Beshi luôn giữ lưỡi kiếm của mình sắc bén và cho phép các con giúp làm sạch nó. Nếu lưỡi đao sắc và đao phủ nhắm đúng mục tiêu, hành động này sẽ qua đi một cách nhanh chóng và nạn nhân không đủ thời gian để cảm nhận hết nỗi đau đớn tận xương tủy, nhưng sẽ là địa ngục với trường hợp ngược lại. Hình phạt chém đầu sẽ “có tính nhân đạo” với điều kiện được thực hiện chính xác và bằng một nhát chém duy nhất vì ý thức có thể mất ngay trong vòng 2-3 giây sau đó.

Ngoài xử trảm, Ả-rập Xê-út còn áp dụng các hình phạt như cắt đứt bàn tay, bàn chân và lưỡi của tội phạm bị kết án. Và những đao phủ như Al-Beshi được đào tạo thành “chuyên gia” cho những việc đó.

Thi thể tử tù đôi lúc được đặt trên cây thánh giá để người dân nhìn thấy như một lời cảnh cáo với các hành vi tội lỗi. Một trường hợp năm 2011, khi người giúp việc đến từ Indonesia bị chặt đầu, người ta đã treo thi thể cô trên chiếc máy bay trực thăng.

Ngay trong thời đại ngày nay, chặt đầu vẫn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, không chỉ với phạm nhân mà còn với cả người dân thường xuyên phải chứng kiến bởi tính chất man rợ của nó.

____________________

Mời đón đọc bài Tình cảnh những tử tù mang án chặt đầu vào 19 giờ ngày 2/4

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Vũ (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN