Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp

Dù lực lượng đông hơn, nhưng sự hèn nhát đã khiến hải quân Trung Quốc phải trả giá trong trận chiến Thập Phổ.

Ở kỳ trước, chúng ta đã chứng kiến những thất bại đầu tiên của hải quân Trung Quốc với tư cách là kẻ đi xâm lược. Trong kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu tiếp với các bạn một trận hải chiến khác mà hải quân Trung Quốc cũng đã bị giáng những đòn rất nặng nề, đó chính là trận chiến Thập Phổ trong khuôn khổ cuộc chiến tranh Pháp-Thanh.

Kỳ 2: Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp

Năm 1884, Pháp đưa quân ra Bắc Kỳ của Việt Nam nhằm dẹp phong trào Cờ Đen và kiểm soát toàn bộ miền bắc Việt Nam. Nhân cơ hội này, nhà Thanh đã điều quân vào Việt Nam với mục đích vừa ngăn chặn quân Pháp ở biên giới, vừa duy trì ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Về phần mình, Pháp muốn kiểm soát vùng đồng bằng Bắc Bộ và con đường nối từ Hà Nội đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Một số trận đụng độ giữa quân Pháp và quân Thanh diễn ra, và sau khi nhiều lính Pháp thiệt mạng trong một cuộc phục kích của quân Thanh ở biên giới phía bắc, chiến tranh Pháp-Thanh nổ ra.

Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp - 1

Một số trận đụng độ đã diễn ra trên bộ giữa quân Pháp và quân Thanh

Cuộc chiến tranh không tuyên bố này nổ ra cả ở mặt trận trên bộ và trên biển. Trên biển, hải quân nhà Thanh lần đầu tiên đụng độ và “nếm mùi” của hải quân Pháp là trong trận Phúc Châu, khi 7 tàu chiến và hai tàu phóng lôi nhỏ của Pháp tiêu diệt hoàn toàn một hạm đội quân Thanh gồm 9 tàu chiến, trong đó có cả pháo hạm.

Sau trận chiến này, hải quân Pháp tiến ngược lên phía bắc, phong tỏa eo biển Formosa (Đài Loan ngày nay). Để phá vòng vây của quân Pháp, nhà Thanh điều hạm đội Nam Dương xuất phát từ Thượng Hải tiến đến Formosa.

Thời bấy giờ, hải quân nhà Thanh gồm có 4 hạm đội lớn là Hạm đội Bắc Dương, Hạm đội Nam Dương, Hạm đội Phúc Kiến và Hạm đội Quảng Đông. Lực lượng đặc nhiệm của hạm đội Nam Dương được cử đi phá vây gồm có 3 tàu tuần dương hạm Nanchen, Nanrui và Kaiji cùng tàu khu trục Yuyuan và thuyền buồm loại nhỏ Chengqing do Đô đốc Wu Ankang chỉ huy.

Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp - 2

Hải quân Pháp phong tỏa bờ biển của Trung Quốc

Đáng lẽ ra hạm đội Nam Dương đi thực hiện nhiệm vụ lần này sẽ được hai tàu tuần dương hạm hiện đại của Hạm đội Bắc Dương đi hộ tống, tuy nhiên vì những mâu thuẫn và đấu đá trong nội bộ, Hạm đội Bắc Dương đã điều 2 tàu tuần dương hạm này đến Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Wu Ankang.

Theo ông L. C. Arlington, một sĩ quan hải quân Mỹ làm “cố vấn nước ngoài” trên tàu khu trục Yuyuan, sau sự cố này sĩ khí của quân Thanh đang sa sút nghiêm trọng. Các thuyền trưởng quân Thanh không tin rằng mình có thể đánh lại được quân Pháp và cố viện mọi lý do để tránh giao tranh hết mức có thể.

Bởi lẽ đó, hạm đội Nam Dương di chuyển một cách chậm chạp và thận trọng, không bao giờ đi quá xa đất liền, và thường xuyên dừng lại để luyện bắn đại bác. Trước khi đến được eo biển Đài Loan, Đô đốc Wu đã tỏ ra tuyệt vọng với nhiệm vụ lần này.

Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp - 3

Một tàu chiến của hạm đội Nam Dương

Vị đô đốc này nghĩ ra một sáng kiến là tung tin đồn giả rằng hạm đội Nam Dương đang áp sát Formosa với hy vọng rằng thông tin trên sẽ buộc quân Pháp phải dồn tàu chiến về Formosa để phòng thủ và để hở các vị trí khác trong vòng phong tỏa. Trong thời gian đó, hạm đội Nam Dương quay lại và hướng thẳng về vịnh Sanmen, gần cảng Ninh Ba của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến tháng 1/1885, báo chí Hong Kong đồng loạt đưa tin về hành trình di chuyển đích thực của hạm đội Nam Dương. Lực lượng tình báo của Pháp tại Hong Kong đã nắm được thông tin này và ngay lập tức đánh điện cho Đô đốc Amedee Courbet đang phụ trách vòng vây của quân Pháp.

Sau một thời gian dài chờ đợi mà không hề chạm trán quân Thanh, hải quân Pháp “mừng như bắt được vàng” sau khi nhận được thông tin này. Đô đốc Courbet nhận định đây là thời cơ vàng để tiêu diệt phần lớn sinh lực hạm đội Nam Dương nên quyết định di chuyển lên phía bắc Keelung vào đầu tháng Hai để săn lùng hạm đội nhà Thanh.

Lực lượng hải quân Pháp được huy động tham gia chiến dịch tìm diệt này có tàu vỏ sắt Bayard và Triomphante cùng tuần dương hạm Nielly, Eclaireur và Duguay-Trouin, tàu pháo Aspic và tàu chở quân Saone.

Hải chiến Thập Phổ, TQ nếm mùi hải quân Pháp - 4

Chiến hạm Triomphante của hải quân Pháp

Sau một thời gian săn lùng, Courbet nhận được thông tin hạm đội Nam Dương đang tập trung tại vịnh Sanmen, nên ông này quyết định cho hạm đội của mình lợi dụng đêm tối mạo hiểm băng qua các luồng lạch gần đảo Chusan để tiếp cận với quân địch càng sớm càng tốt.

Đến ngày 13/2, tàu Eclaireur phát hiện dấu hiệu của hạm đội Trung Quốc ở ngoài khơi vịnh Thập Phổ và phát tín hiệu: “Phát hiện 5 tàu hơi nước ở phía nam.” Ngay lập tức hạm đội Pháp triển khai đội hình tác chiến và hướng đại bác về phía tàu Trung Quốc.

“Kẻ bao vây” cuối cùng cũng lần ra tung tích của “kẻ phá vây”, hứa hẹn một trận chiến vô cùng khốc liệt sẽ nổ ra trên biển. Trận hải chiến Thập Phổ diễn biến như thế nào, mời các bạn đón đọc kỳ 3: Thảm bại của hạm đội hèn nhát vào 19h ngày 30/5/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Những thảm bại trong lịch sử của hải quân TQ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN