Hai cây gỗ sưa từng được trả giá trăm tỉ ở Hà Nội bây giờ ra sao?
Sau khi chặt hạ, hai cây gỗ sưa từng được thương lái trả giá trăm tỉ ở thôn Phụ Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được người dân tổ chức bán đấu giá.
Người dân chặt hạ hai cây sưa quý hiếm trong chùa Phụ Chính. Ảnh TPO.
Liên quan đến hai cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính từng được thương lái trả giá trăm tỉ, ngày 8/9, ông Đinh Văn Lai – Trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, sau khi chặt hạ, trải qua 4 lần đấu giá nhưng số gỗ sưa vẫn chưa có người mua.
“Chúng tôi đã nhờ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản của Sở Tư pháp Hà Nội đăng tin đấu giá 4 lần nhưng không có ai đến đặt cọc tiền nên các phiên đấu giá không thể diễn ra. Sau đó, lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đó đến nay số gỗ sưa không bán được.
Hiện gỗ sưa vẫn được bảo quản trong thùng container để tại nhà văn hóa thôn Phụ Chính. Chúng tôi vẫn cắt cử người trông coi cẩn thận”, ông Lai nói.
Số gỗ sưa vẫn được bảo quản trong thùng container trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính. Ảnh TPO.
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, thành phố có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550 kg đến hơn 2.000 kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg.
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) có nhiệm vụ hỗ trợ người dân tổ chức các phiên đấu giá để bán số gỗ sưa theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Theo quy định, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ sưa. Đã có nhiều người đến mua hồ sơ, hỏi giá nhưng không có ai nộp tiền đặt cọc, chính vì thế, các phiên đấu giá không thể diễn ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giờ đang hiện hữu một rừng sưa trị giá cả trăm tỷ, thuộc sở hữu...