Hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể nhập thành một
Hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông, trong đó 1 cơn có thể mạnh thành bão hướng vào các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (2/9), áp thấp nhiệt đới gần bờ đang ở trên đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 1 giờ ngày 3/9, bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm rồi bất ngờ quay ngoắt 180 độ di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Đến 13 giờ ngày 3/9, tâm bão ở cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 150km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, ảnh hưởng đến vùng biển phía Đông Nam của đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Áp thấp nhiệt đới sau mạnh thành bão khi di chuyển vào gần bờ có xu hướng di chuyển chậm gây mưa to đến rất to cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên từ nay đến 6/9. Tổng lượng mưa ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi phổ biến từ 300-500mm/đợt; khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 200-300mm/đợt.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu các sông từ 2-4m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức báo động (BĐ)2-BĐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dao động trên dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới mới hình thành ở vùng biển giữa Biển Đông sáng nay (2/9) đang mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới này có thể sát nhập với cơn bão ở vùng biển phía Nam của đảo Hải Nam.
Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đánh giá tình hình thời tiết trên...