Hai áp thấp nhiệt đới sắp xuất hiện, miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ
Khu vực Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2 áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới khiến mưa lũ diễn biến phức tạp.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của vùng áp thấp trên Biển Đông. Ảnh Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Sáng nay (6/10), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp bàn phương án ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại khu vực Trung Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng chiều tối nay, vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Từ ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Áp thấp kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, tạo thành một tổ hợp xấu tác động đến thời tiết toàn Trung Bộ.
Cụ thể, các tỉnh miền Trung có thể hứng chịu một đợt mưa lớn liên tục các ngày 7-11/10 với lượng phổ biến 300-500 mm. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có nơi mưa 500-700 mm.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Ông Khiêm nhận định tiếp, đến ngày 11/10, một áp thấp nhiệt đới khác có khả năng xuất hiện trên Biển Đông khiến mưa lũ ở Trung Bộ tiếp diễn và phức tạp hơn. Đợt mưa thứ 2 xuất hiện, nối liền với đợt mưa lớn trước đó, nguy cơ lũ chồng lũ.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, đây là một đợt mưa rất lớn của năm nay tại miền Trung. Các tỉnh Trung Bộ có thể mưa lớn liên tục 10 ngày; tổng lượng mưa trong cả đợt phổ biến 500-1.000 mm, có nơi lên đến hơn 1.000 mm. Vì vậy, các địa phương cần lưu ý và chủ động lên phương án ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan những ngày tới.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.
Đồng thời, kiểm tra hệ thống đê và lưu ý đến đê cửa sông (nhất là khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) để đảm bảo an toàn cho việc phòng chống lũ, sẵn sàng vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phục vụ sản xuất.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài chỉ đạo, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai. Các tỉnh, thành phố cần làm tốt các phương án di dân, thậm chí có phương án di dân dài ngày, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đảm bảo cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa cộng đồng.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm, đang hướng về đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa...
Nguồn: [Link nguồn]