Hà Tĩnh: Người tàn tật bị "chặn" trợ cấp
Đó là tình cảnh của nhiều người tàn tật nặng tại Hà Tĩnh thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007 và Nghị định 28/2012.
Bỏ sót đối tượng
Gia đình chị Nguyễn Thị Soa (thôn 4, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ) có con gái là Lê Thị Lan Anh, sinh năm 1992, bị mất trí, tâm thần, động kinh bẩm sinh. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự trợ giúp của người khác. Theo quy định của Nghị định 67, cháu Lan Anh được hưởng chế độ bảo trợ, gia đình chị Soa đã làm hồ sơ đề nghị xét nhưng cán bộ xã từ chối vì “không thuộc diện hộ nghèo”.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hùng (thôn 5, xã Bùi Xá) có con trai là Nguyễn An, sinh năm 2003, bị câm, điếc bẩm sinh, mất trí và bị động kinh. Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh xác định: Cháu An “sức khoẻ rất yếu, mất khả năng học tập và sinh hoạt”, nhưng cũng không được xét trợ cấp.
Cháu Lê Huy Anh bị tàn tật nằm một chỗ mà cũng bị “chặn” tiền bảo trợ
Ở xã Đức Lạng (Đức Thọ) cũng có nhiều đối tượng bị bỏ sót. Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến gặp ông Võ Quang Châu, sinh năm 1957 (thôn 7) có 6 năm công tác và trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, Campuchia. Ông phục viên được 5 năm thì bị ốm nặng để lại di chứng “liệt nửa người bên trái, sa sút trí tuệ, viêm phế quản mãn tính, giảm thị lực 2 mắt (2/10), mất răng hàm trên".
Hiện tại, ông rất yếu, mất khả năng lao động và tự phục vụ bản thân, sức khoẻ loại 5 (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh kết luận) mà vẫn chưa được làm hồ sơ xét trợ cấp. Ông Châu rất buồn vì chính sách bị “ách tắc” ngay ở cấp xã, là cấp mà lẽ ra phải hướng dẫn người dân về giấy tờ để họ được hưởng quyền lợi của mình.
Lằng nhằng việc giám định và chi trả
Không chỉ bỏ sót, nhiều trường hợp người tàn tật bị xác nhận sai hệ số, hoặc bị ăn chặn tiền bảo trợ. Ông Lê Tiến (thôn 4, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc) có con gái là Lê Thị Thuận bị tâm thần đã hơn chục năm. Qua thời gian, bệnh tình chị Thuận ngày càng nặng thêm (chửi bới cả ngày đêm, xé bỏ cả quần áo, ra ngoài chạy nhảy…) nhưng chỉ được nâng từ hệ số 1 lên 1,5, tương ứng với 270.000 đồng/tháng.
Ông Lê Tiến nói: “Tôi cũng được biết Nghị định 13/2010/NĐ-CP quy định “người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ” được hưởng hệ số 2 (360.000 đồng/tháng). So với thực tế bệnh tật của con tôi, cháu phải được hưởng hệ số 2, không hiểu sao Hội đồng xét duyệt cấp xã lại không xét đúng hệ số”.
Anh Lê Thành (thôn Yên Thành, xã Đức Đồng, Đức Thọ) cho biết: “Tôi có 2 đứa con tàn tật bẩm sinh – một đứa nằm liệt giường hơn 26 năm và đã qua đời được 4 năm, còn thằng em thì bị tâm thần, tàn tật… Nhưng khi làm thủ tục xét trợ cấp thì cán bộ xã yêu cầu phải đưa đi bệnh viện tỉnh để khám. Tiền đi khám thì không có, thôi thì họ cho được mấy thì cho”. |
Cũng tại xã Kim Lộc, cháu Đồng Hương Linh - con anh Đồng Quốc Sự (thôn 3) đã được xét quyết định hệ số 2, nhưng tại xã, gia đình cháu vẫn lĩnh hệ số 1. Chúng tôi tới Phòng LĐTBXH huyện Can Lộc thì được ông Phan Anh - Phó Trưởng phòng xác nhận cháu Linh được hưởng hệ số 2 theo Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 18/2/2011.
Trở lại xã Kim Lộc thì ông Đỗ Viết Thống - Chủ tịch UBND xã Kim Lộc và ông Vinh - phụ trách LĐXH vẫn khẳng định: “Trường hợp cháu Linh được hưởng 180.000 đồng/tháng”. Thế nhưng, chỉ 20 phút sau khi hỏi về hệ số bảo trợ của cháu Linh, gia đình cho chúng tôi biết: “Người phụ trách LĐXH đã đưa tiền đến trả phần chênh lệch hệ số 2.520.000 đồng”, tương đương với số tiền 14 tháng từ khi cháu Linh được xét lên hệ số 2.
Tương tự, cháu Lê Huy Anh, sinh năm 2002, con anh Lê Huy Dũng (xóm Thượng, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh) được hưởng mỗi tháng 240.000 đồng, nhưng khi thay đổi mức chuẩn trợ cấp xã hội, cán bộ xã vẫn không chi cho Dũng 360.000 đồng/tháng. Cho tới tận khi phóng viên về làm việc, cháu mới được cán bộ xã hoàn trả lại tiền chênh lệch.