Hà Tĩnh: Đốt hàng trăm "con ngựa" mỗi ngày tại đền Củi
Hàng năm, mỗi khi Tết đến, Xuân sang, du khách thập phương lại đổ về dâng hương, cầu nguyện tại đền Quan Hoàng Mười (hay còn gọi là đền Củi) ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Theo ghi nhận, vào sáng sớm ngày 5 tháng Giêng, tại sân đền đã có 20 "ông ngựa" khủng và 5 thuyền rồng (bằng giấy) được người dân cung tiến, đặt giữa sân tiền sảnh.
Sáng sớm ngày 05.01 âm lịch, tại sân đền đã có 20 ông ngựa “khủng” và 05 thuyền rồng được người dân tiến cúng, đặt giữa sân tiền sảnh, làm cho việc vào dâng hương, lễ đền gặp nhiều khó khăn.
Một người viết sớ tại cửa hàng vàng mã Liên Hạnh cho biết, sở dĩ có việc đốt ngựa mã và thuyền mã là vì quan Hoàng Mười là một vị tướng, nên cần ngựa để xông pha trận mạc, còn khi đánh giặc trên sông thì cần phải có thuyền rồng.
Theo ông Biên (xóm 3, xã Xuân Hồng), người chuyên làm ngựa thì việc đốt ngựa trước đây là do người dân miền Bắc đưa vào, nhưng vì đường sá cách trở nên rất tốn kém. Vì thế, người dân ở xung quanh đền đã học cách làm ngựa để bán. Nguyên liệu để làm ngựa là từ cây luồng, được nhập từ Thanh Hóa. Một ngày, bình quân mỗi người có thể làm được một con hoàn chỉnh.
Ngựa ở đây có nhiều loại, giá dao động từ 20.000 đến 350.000 đồng tùy theo loại to hay nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều đua nhau cung tiến ngựa “khủng” (ngựa có chiều cao khoảng 2m). Vì thế, người và ngựa chen chúc khiến tiền sảnh của ngôi đền trở nên chật chội.
Nói chuyện với chúng tôi, người phụ trách lò hóa vàng mã nói rằng, một ngày không thể nhớ đốt bao nhiêu ông ngựa nữa, ngày ít thì dăm chục, ngày nhiều phải hàng trăm. Đặc biệt, là ngày giỗ 10/10 thì rất nhiều, không biết bao nhiêu mà kể.
Người và ngựa chen chúc khiến tiền sảnh của ngôi đền trở nên chật chội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Long Thiên, phó phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, trưởng BQL đền Quan Hoàng Mười cho biết: “Việc đốt hàng mã bắt nguồn từ ngoài Bắc và không chỉ riêng đền Củi, vì thế, muốn cấm thì phải đồng bộ, mà cũng rất khó. Tuy nhiên, muốn làm được việc này thì phải có văn bản để chúng tôi căn cứ xử lý”.
“Chúng tôi cũng rất muốn hạn chế việc đốt hàng mã vì vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí, lại tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải dần dần để cho người dân chuyển hóa về nhận thức”, ông Thiên nói thêm.
Một hiện tượng bất cập nữa là tình trạng người ăn xin xuất hiện rất nhiều trên dọc đường vào của ngôi đền. Chỉ với khoảng 200m từ Quốc lộ I đi vào đền mà có tới 7 người hành khất. Đa số họ là người địa phương và đã già cả.
Người ăn xin xuất hiện rất nhiều trên dọc đường vào của ngôi đền
Những người ăn xin này ngồi cách nhau khoảng vài chục mét. Mỗi khi có khách đi qua thì họ ngửa nón ra để xin. Thậm chí, có người còn vươn tay dài ra để ngáng chân du khách khiến những người đi lễ không khỏi khó chịu.
Ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Trước Tết, Phòng LĐTB&XH, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, các BQL di tích phải quản lý các đối tượng đi lang thang, ăn xin trong dịp Tết và lễ hội”.
Về hướng giải quyết tình trạng nói trên, ông Nam cho biết: “Sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, BQL di tích để quản lý thật nghiêm các đối tượng này. Nếu là người địa phương thì vận động con cháu đưa về gia đình. Trường hợp không có thân nhân, không rõ nguồn gốc, danh tính thì sẽ tập trung về Trung tâm Bảo trợ Xã hội của tỉnh”.
Một số hình ảnh mà PV ghi lại tại đền Củi ngày 5/1 (Âm lịch):
Những chiếc thuyền rồng được người phụ trách lò hóa vàng mã “chuyển” cho Quan Hoàng Mười.
Phải chăng người dân cho rằng tiến cúng ngựa nhỏ thì không thể hiện được lòng thành?
Trong một thời gian ngắn, nhiều ông ngựa “khủng” được đốt thành tro.
Không thể chờ người phụ trách, người dân phải tự đem hóa vàng những ông ngựa mà mình tiến cúng.
Hết hóa ngựa vàng, thuyền rồng, người phụ trách lại thu gom hương cháy dở để đốt. Làm việc quần quật, không ngừng tay.
Những cụ già ngồi hành khuất la liệt dọc con đường vào đền.
Mặc dù không thật khó khăn về kinh tế và được chính quyền địa phương vận động về nhà nhưng những người hành khất này vẫn quyết “theo nghề”.
Người ăn xin từ địa phương khác mới xuất hiện, theo sự xác nhận của ông Nguyễn Phi Phượng, chủ tịch UBND xã Xuân Hồng.
Ngoài những người ăn xin thì những người bị bệnh thần kinh cũng có mặt. Tất cả đã làm mất đi vẻ linh thiêng của ngôi đền.
Đền Củi có tên chữ là Khu Độc Linh Từ, được hình thành vào cuối đời nhà Lê, là ngôi đền hết sức linh thiêng thờ Quan Hoàng Mười. Đền tọa lạc ở chân núi Khu Độc, bên dòng sông Lam thơ mộng thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Về lai lịch của Quan Hoàng Mười, đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian của người dân xứ Nghệ, ông là hiện thân của vị tướng tài Lê Khôi, cháu ruột của vua Lê Lợi. Là người từng làm quan dưới ba đời vua Lê và có nhiều công lao trong việc chống giặc Minh xâm lược. Ông được phong chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Vì thế, Quan Hoàng Mười còn được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh là “Đức Thánh Minh”. Tương truyền rằng, sau khi ông đánh thắng giặc trở về thì một trận cuồng phong ập vào làm nhiều nhà dân vị đổ nát. Thương dân ông lại cùng binh sỹ lên ngàn chặt tre, đốn gỗ đưa về giúp dân làm nhà rồi mở kho lương cứu tế. |