Hà Nội yêu cầu Phó Chủ tịch thành phố chủ động giải quyết công việc theo phân công

Sự kiện: Thời sự

Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố phải sử dụng đúng quyền hạn được giao, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của mình lên UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố hoặc cho các cơ quan khác và không giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan khác, trừ trường hợp theo chỉ đạo, ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 16/2021 về Quy chế làm việc của UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định xác định rõ, đề cao trách nhiệm Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố; không xử lý những công việc đã phân công, ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND thành phố; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng sở, ngành, cơ quan, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm chủ động giải quyết và quyết định các công việc đã được phân công, ủy quyền. Nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Phó Chủ tịch UBND thành phố khác thì trực tiếp trao đổi, thống nhất với Phó Chủ tịch đó để giải quyết hoặc phối hợp giải quyết thông qua Phiếu trình giải quyết công việc của Văn phòng UBND thành phố.

Trường hợp có ý kiến khác nhau thì Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì xem xét, quyết định; chỉ báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định khi thực sự cần thiết mà cá nhân Phó Chủ tịch không quyết định được.

Quyết định cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng sở, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố.

Cụ thể, Thủ trưởng sở, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố phân công, ủy quyền, giao nhiệm vụ, bao gồm cả công việc đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó; ưu tiên thời gian, nguồn lực và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và những nội dung quản lý nhà nước khác.

Khi tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giải quyết công việc phải nêu rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, quan điểm, kiến nghị rõ phương án giải quyết công việc và chịu trách nhiệm về nội dung tham mưu, đề xuất.

Quyết định yêu cầu thực hiện, chỉ đạo xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm rút ngắn thời gian xử lý, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về công tác đổi mới, hiện đại hóa hoạt động của cơ quan mình phụ trách.

"Sử dụng đúng quyền hạn được giao, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của mình lên UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố hoặc cho các cơ quan khác và không giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan khác, trừ trường hợp theo chỉ đạo, ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố", quyết định nêu.

Cùng với đó, trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của sở, ngành, cơ quan, trong đó phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quá trình xử lý công việc, quy định cụ thể thời hạn xử lý công việc và trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện đến kết quả cuối cùng. Chỉ đạo rà soát loại bỏ bớt những việc phải phối hợp liên ngành trên tinh thần cơ quan nào được giao chủ trì thì chịu trách nhiệm đến cùng.

Làm rõ hơn trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, UBND các quận, huyện, thị xã trong xử lý công việc. Khi được hỏi ý kiến, các sở, ngành, cơ quan, UBND các quận, huyện, thị xã phải cho ý kiến rõ ràng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không được né tránh, trả lời chung chung và phải trả lời đúng hạn, nếu quá hạn thì coi như đồng ý.

Khi mời họp, sở, ngành, cơ quan, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm cử người có thẩm quyền dự và là ý kiến chính thức của sở, cơ quan, địa phương; trường hợp lập biên bản cuộc họp thì có giá trị như ý kiến chính thức bằng văn bản.

Theo Quyết định, Chánh Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội nổi bật; thực hiện nhiệm vụ phát ngôn của UBND thành phố, tổ chức họp báo định kỳ để thông báo kết quả phiên họp UBND thành phố; tổ chức họp báo khi cần thiết để thông tin về các chính sách, quyết định quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; trả lời những vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm; thực hiện thông cáo báo chí.

Thủ trưởng sở, ngành, cơ quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân bằng các hình thức thích hợp; họp báo định kỳ, họp báo khi ban hành các văn bản quan trọng, khi triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi có các sự kiện đáng chú ý khác. Thường xuyên điểm báo và thực hiện việc trả lời báo chí theo quy định của pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Phó Chủ tịch Hà Nội: Vùng 2, 3 có thể sản xuất, kinh doanh ngay từ bây giờ

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng gợi ý, vùng 2, vùng 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN