Hà Nội xem xét chủ trương phạt tiền cao hơn với 1 số vi phạm giao thông
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xem xét, quyết định chủ trương ban hành Nghị quyết quy định áp dụng mức tiền phạt cao hơn với 1 số vi phạm giao thông.
Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm: Thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen "đã uống rượu, bia – không lái xe" của Nhân dân Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình phải nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật GTĐB, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông;
Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một "tuyên truyền viên" trong tuyên truyền, vận động việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Đồng thời, nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.
Xử lý nghiêm các vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn
Đối với các địa bàn có tình hình TNGT nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban ATGT địa phương, lực lượng Công an, Thanh tra GTVT, các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan, tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch thành phố nếu để xảy ra TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn.
Giao Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội dịp Tết và các lễ hội đầu Xuân năm 2023.
Quá trình xử lý, xác định người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định; đồng gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Thanh tra GTVT, các đơn vị liên quan tiến hành tổng rà soát, tổ chức làm việc trực tiếp với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn (các nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường, trung tâm tiệc cưới...) đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động khách đến ăn, uống chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố phối hợp chỉ đạo tổ chức điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn; người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa xã hội.
Sở Nội vụ phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tiếp nhận thông tin các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Đảng viên, người lao động trong cơ quan Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất Hội đồng nhân dân, UBND TP xem xét, quyết định chủ trương ban hành Nghị quyết quy định áp dụng mức tiền phạt cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các trường hợp có nồng độ cồn gây TNGT.
TP HCM đề xuất tăng gấp đôi mức tiền phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong nội thành.
Nguồn: [Link nguồn]