Hà Nội và những dấu ấn quy hoạch

Ít ai biết rằng, khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, Hà Nội chỉ rộng vỏn vẹn với diện tích 152km2 gồm 8 quận huyện với dân số 37 vạn ở nội thành và 16 vạn ở ngoại thành. Và nay thành phố đã rộng gấp 20 lần với dân số 7 triệu người.

Xây mới những trường học, nhà tập thể danh tiếng

Một trong những nhiệm vụ cấp bách ngày đầu giải phóng khi đó là xoá bỏ tệ nạn xã hội của đô thị bị thực dân chiếm đóng và cải thiện đời sống của dân nghèo, ổn định chỗ ở cho cán bộ - viên chức về tiếp quản. Các kiến trúc sư đã lăn lộn với thực tế, khảo sát từ gần 200 khu xóm lao động chật trội, lầy lội, mất vệ sinh để đề xuất cải tạo xây dựng một số khu ở mới, công trình công nghiệp mới, trụ sợ các cơ quan...

Giai đoạn 1954-1958 Hà Nội đã xây mới 5 vạn m2 nhà ở, gần 90 trường phổ thông được khôi phục, xây dựng mới, hệ thống công trình dịch vụ với các cửa hàng mậu dịch quốc doanh được vận hành đóng góp lớn vào ổn định duy trì đời sống dân cư.

Hà Nội và những dấu ấn quy hoạch - 1

Ngay sau những ngày trở về Thủ đô, Bác Hồ đã chỉ đạo công tác quy hoạch Hà Nội. Người nói: “Phải có quy hoạch trước. Tránh làm rồi phá đi”.

Thời gian này với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Ba Lan đã giúp chúng ta lập phương án quy hoạch phát triển Thủ đô từ 70 vạn đến 1 triệu dân với khoảng 20.000ha đất, xu hướng phát triển về phía Bắc sông Hồng. Năm 1961 đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Dấu ấn quy hoạch tới kỳ này phải kể đến các khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai... Đặc biệt là nhiều khu nhà ở tập thể như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... được xây dựng với những mô hình căn hộ xã hội chủ nghĩa. Cùng việc xoá nạn mù chữ, nhiều trường đại học lớn ra đời: Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Nông Lâm... một số bệnh viện cũ đã được cải tạo nâng cấp, một số bệnh viện mới được ra đời như: Việt Nam – Cu Ba, Y học dân tộc...

Đến những lần “nhập vào tách ra”

Tháng 2/1973 cầu Long Biên được nối liền. Thành phố đã xây dựng mới và sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp, một số công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng: cầu Đuống, Cảng Phà Đen, Sân bay Quốc tế Nội Bài...

Thời gian này, lại đặt vấn đề định hướng phát triển của Thủ đô, điều chỉnh QHC đã duyệt, đặc biệt xác lập sự gắn kết với khu vực xung quanh Sơn Tây, Xuân Mai. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đo đã được nghiên cứu cuối cùng phương án chọn là khống chế Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển Thủ đo ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân.

Sau khi thống nhất đất nước, cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng đã mở ra cả giai đoạn mới phát triển Thủ đô. Năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt QHC Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 quy mô dân số là 1,5 triệu dân. Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hoá nghỉ ngơi, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội. Với định hướng như vậy tháng 12/1978 Chính phủ đã có quyết định phân định lại ranh giới Hà Nội, sát nhập thêm huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Thị xã Sơn Tây, Hà Đông và một số xã của Hà Sơn Bình... Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người.

Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, lúc này các chuyên gia nước ngoài và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô tới năm 2000 và phương án chọn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 100/TTg ngày 24/01/1981, theo đồ án quy hoạch này dân số Thủ đô nội thị là 1,5 triệu với quy mô đất đai là 100km2, vùng ngoại thành được mở rộng với 11 huyện thị.

Trong thời kỳ 1981-1985, Hà Nội đã có 2 đợt điều chỉnh. Do mối quan hệ với vùng và cơ cấu đô thị với vùng ngoại thành; Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII kỳ 9 (12/1991), ranh giới Hà Nội được điều chỉnh và chuyển lại 7 huyện, thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc. Với điều chỉnh này quy mô đất đai tự nhiên Hà Nội còn 924km2.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Quyết định 132/CT ngày 18/4/1992 đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội đến năm 2010. Thành phố Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng.

Như vậy sau 10 năm, tổng mặt bằng quy hoạch phát triển Thủ đo thay đổi rất cơ bản. Theo quy hoạch: quy mô dân số năm 2010 là 1,5 – 1,7 triệu dự phòng phát triển tới 2 triệu dân. Trung tâm vẫn khẳng định là khu vực hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình từng bước phát triển lên Hồ Tây. Quy hoạch này khác quy hoạch năm 1981 là không lấy Hồ Tây là trung tâm bố cục quy hoạch.

Qua 6 năm thực hiện, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có thay đổi, nhất là yêu cầu hội nhập đòi hỏi phải có điều chỉnh QHC. Ngày 20/6/1998 Chính phủ đã phê duyệt QHC điều chỉnh tại Quyết định 108/QĐ-TTg.

QHC lần này được định hướng phát triển cả hai bên sông Hồng với mục tiêu xây dựng Hà Nội là thành phố vừa dân tộc và hiện đại đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến.

Hà Nội và những dấu ấn quy hoạch - 2

Hà Nội hôm nay mang dáng vóc của một thủ đô hiện đại.

Diện mạo mới của thủ đô phát triển

Trong giai đoạn thực hiện QHC 1998 đã thấy cần đổi mới cơ cấu mô hình tổ chức quản lý QH-KT. Do vậy năm 2002 đã hình thành Sở QHKT để phù hợp với đặc thù Hà Nội và cũng là bài học kinh nghiệm từ nước ngoài. Mô hình tổ chức này đến nay vẫn được khẳng định là hợp lý và khoa học.

Tháng 8/2008 Hà Nội lại được điều chỉnh địa giới từ 924km2 lên 3344km2 (đô thị có quy mô lớn nhất nước) dân só 6,4 triệu người. QHC của Thủ đô mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Theo đó, mô hình cấu trúc không gian là chùm đô thị với dự báo dân số đến 2030 là 9,0 đến 9,2 triệu, đất xây dựng đô thị từ 18.000 ha lên 94,700ha (28,3% đất tự nhiên) vào 2030. Đây là sự kiện lớn đòi hỏi công tác quy hoạch có nhiều nỗ lực, đổi mới từ quy trình đến chất lượng Đề án.

Nhìn lại chặng đường QHXD Thủ đô từ sau ngày giải phóng đến nay cho thấy rõ những bài học kinh nghiệm. 60 năm qua lực lượng nghiên cứu quy hoạch và cơ quan quản lý quy hoạch đã có bước trưởng thành, hội nhập với khu vực và quốc tế. Hy vọng rằng với QHC lần này Hà Nội sẽ có một diện mạo, cơ sở để trở thành thành phố “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Đô thị phát triển năng động hiệu quả có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS-KTS Đào Ngọc Ngiêm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN