Hà Nội trình đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy gần 10.000 tỉ
UBND TP Hà Nội vừa trình đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho giai đoạn từ nay đến năm 2045 với tổng kinh phí lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về việc thông qua các biện pháp, cơ chế chính sách đối với dự thảo Đề án tổng thể về nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tờ trình sẽ được kỳ họp 14, HĐND TP Hà Nội dự kiến khai mạc vào ngày 5-12 tới xem xét, thông qua.
Một trong những cơ sở thực tiễn để UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội xem xét đề án là tình hình cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội những năm qua diễn biến đặc biệt khó lường.
UBND TP Hà Nội cho biết trong 10 năm qua (2013-2023), toàn TP có tới 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ và trên 8.000 sự cố nhỏ khác. Trong số này có 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng và 32 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
“Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung số nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người” - Tờ trình của UBND TP Hà Nội thông tin.
Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra đêm ngày 12-9 gây hậu quả nghiêm trọng về người.
Thiệt hại về người và tài sản qua các vụ cháy trong 10 năm qua trên địa bàn Hà Nội ở mức cao với 202 người chết, 271 người bị thương. Dù số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm số lượng không nhiều (khoảng 3,2%) nhưng gây mức độ thiệt hại lớn cả về người và tài sản…
Đề án đặt ra 3 lộ trình để nâng cao năng lực PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn gồm giai đoạn 1 từ nay đến 2025, giai đoạn hai từ 2026-2030 và giai đoạn ba từ 2031-2045.
Tổng kinh phí sơ bộ thực hiện cho cả 3 giai đoạn là khoảng 9.629,2 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là hơn 1.567 tỉ đồng; giai đoạn 2 gần 2.972 tỉ đồng; giai đoạn 3 là gần 5.090 tỉ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong số 531 chung cư tồn tại vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo.