Hà Nội trang trí đường phố đón Tết: Hạn chế lòe loẹt
Rút kinh nghiệm việc trang trí đường phố những lần trước đây thường bị dư luận phê bình, năm nay trong dịp Tết Nguyên đán Hà Nội trang trí đường phố với chủ trương hạn chế tối đa màu sắc xanh đỏ lòe loẹt mà tập trung ở một số điểm nhấn.
Đèn trang trí trên đường Tràng Tiền - Hà Nội chiều ngày 18/1. Ảnh: Như Ý
Đường phố giảm màu sắc loè loẹt
Theo ghi nhận vào thời điểm này để đón chào năm mới Đinh Dậu 2017, hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội như: Tràng Tiền, Hàng Bài, Ngô Quyền, Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ..., đã được trang hoàng, trang trí chiếu sáng đẹp mắt. Đơn cử như xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố lớn như Tràng Tiền, Bà Triệu…, được trang trí bằng hình ảnh biểu tượng của Hà Nội cùng với cành đào nhỏ. Ở nhiều tuyến phố, nếu như trước đây việc trang trí chiếu sáng dày đặc, kéo dài cả tuyến thì năm nay việc trang trí tập trung ở một số điểm nhấn, màu sắc chiếu sáng không còn lòe loẹt.
Đa số người dân đều đồng tình với cách trang trí phố phường của Hà Nội. Anh Tạ Vũ Hoàng trú tại ngõ Lê Văn Hưu II (quận Hai Bà Trưng) cho biết, so với cách trang trí phô trương, lạm dụng đèn hoa năm trước thì năm nay cách trang trí của Hà Nội đã khác hẳn. “Hà Nội vốn đã đẹp vì rợp bóng cây xanh nên chỉ cần một số điểm nhấn trang trí là đủ, chứ không nên trang trí chiếu sáng quá nhiều màu sắc xanh đỏ như mọi năm”, anh Hoàng nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao (VH&TT) Hà Nội Tô Văn Động cho biết, năm nay việc trang trí chiếu sáng đường phố được làm rất thận trọng ở từng tuyến phố, từng điểm và tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận để điều chỉnh chứ không ồ ạt. Theo ông Động, đã có hơn 15 mẫu từ cuộc thi “Thiết kế trang trí chiếu sáng Hà Nội năm 2016” được ứng dụng. Tuy nhiên, có một số tác phẩm đẹp, mang đậm nét văn hoá, truyền thống nhưng chưa chọn được địa điểm để ứng dụng. “Toàn bộ chi phí trang trí đều được thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Sở VH&TT chỉ đưa ra market và tạo điều kiện để nhà tài trợ thực hiện. Còn kinh phí bao nhiêu do nhà tài trợ sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị sản xuất, đơn vị thi công”, ông Động cho biết. Ông Động cho biết thêm, sau khi việc trang trí hoàn thiện, Sở VH&TT sẽ nghiệm thu và điều chỉnh lại nếu những công trình chưa đạt, còn kinh phí điều chỉnh cũng của nhà tài trợ bỏ ra.
Đại diện Sở VH&TT Hà Nội cũng cho rằng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, dự đoán dịp Tết Nguyên đán 2017 sẽ đón một lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan nên các khu du lịch văn hoá, các con đường trung tâm thành phố rất cần được trang trí đẹp. Nhưng thay vì làm ồ ạt, năm nay các quận, huyện muốn trang trí đường phố thì cũng phải thỏa thuận với thành phố để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, hạn chế tối đa màu sắc xanh đỏ lòe loẹt bị dư luận phản ánh như năm trước.
Thiếu chuyên nghiệp trang trí đường phố
Năm 2016, lần đầu tiên Sở VH&TT Hà Nội tổ chức cuộc vận động thi thiết kế, trang trí thành phố trong những dịp lễ Tết và các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô. Một số mẫu trong số các tác phẩm nhận giải đã được ứng dụng ngay vào thực tế trên các tuyến phố. Đặc biệt, các mẫu thử nghiệm trang trí đã đơn giản và bớt màu mè. Tuy nhiên, cuộc vận động trang trí thành phố vẫn chưa được như mong đợi khi không có giải nhất nào được trao. Ban giám khảo cũng thừa nhận, không tìm thấy sự bứt phá với từng ấy ý tưởng. Điều đó cho thấy, vấn đề trang trí cho thành phố từ lâu vẫn là nỗi trăn trở của những người làm nghề.
Họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội đồng giám khảo cuộc thi cho rằng, trang trí chiếu sáng Hà Nội mặc dù đã khắc phục được nhiều hạn chế nhưng các phương án thiết kế trang trí đường phố Hà Nội trong tương lai không chỉ đạt tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” mà còn phải hướng tới sự thông thoáng, văn minh, hiện đại. Ông Chương cũng tán thành, không nhất thiết cứ phải giăng đèn, kết hoa, treo khẩu hiệu quá nhiều mới làm đẹp cho đường phố. Dù xã hội hóa cũng phải trên tinh thần nếu sản phẩm của doanh nghiệp nào không đẹp thì không cho phép mang ra đường phố.
Đèn hình con gà ở Đà Nẵng
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc trang trí thời gian qua cho thấy có sự lặp lại, hình thức đơn điệu, chủ đề kém phong phú, thậm chí dư luận phê phán việc trang trí chiếu sáng đường phố quá lòe lẹt, màu mè gây tốn kém. Ông Tùng cho rằng, trang trí bằng ánh sáng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Thay vì tổ chức theo tuyến đường thì có thể tạo thành cụm, gắn liền với bối cảnh đô thị xung quanh. Việc thiết kế cũng nên mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia, các nhà thiết kế, nghệ sĩ, trong đó có các bạn trẻ để có nhiều ý tưởng sáng tạo, mới. Một vấn đề quan trọng nữa là lưu ý về an toàn trong công tác thi công và vận hành các công trình chiếu sáng đường phố. “Vừa qua, báo chí nêu việc chập cháy trong trang trí chiếu sáng nên ngoài việc thiết kế đẹp cũng phải tính đến yếu tố an toàn”, ông Tùng nói. Theo họa sĩ Thế Sơn, các nước trên thế giới việc trang trí đã nâng lên tầm nghệ thuật thì ở Hà Nội hay một số tỉnh thành khác, trang trí vẫn chỉ là treo cờ quạt, băng rôn, lắp đèn, đính hoa…, gây sự nhàm chán, thiếu tính chuyên nghiệp.
Đà Nẵng: Đèn hình con gà làm điểm nhấn Thời điểm này, TP Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thành lắp đặt điện chiếu sáng trang trí phục vụ Tết Đinh Dậu. Công trình được triển khai ở 21 địa điểm trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, cho hay: “Một số tuyến đường như Bạch Đằng, đèn trang trí Tết được thiết kế theo hình con gà để phù hợp với năm Đinh Dậu. Loại đèn này lắp kéo dài liên tục hai bên đường, tạo điểm nhấn cho đèn trang trí Tết”. Ông cho biết thêm công trình điện chiếu sáng phục vụ Tết được thành phố đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. Đối với các tuyến đường ngoài trung tâm thành phố, các quận, huyện kêu gọi xã hội hóa để thực hiện. Thanh Trần |