Hà Nội tiết lộ kế hoạch khôi phục đoạn đường gốm sứ vừa bị phá dỡ
Theo ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông, Hà Nội sẽ có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường mới để tiếp tục duy trì và phát triển con đường gốm sứ.
Ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí.
Liên quan đến việc con đường gốm sứ bị phá dỡ, chiều 9/6, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, cực chẳng đã mới phải phá dỡ con đường gốm sứ hiện nay để mở rộng đường đê hiện tại. Đoạn đê bị phá dỡ có diện tích rộng khoảng 691m vuông, trong đó chiều dài là 390m..
Ông Học nhấn mạnh, việc phá dỡ con đường gốm sứ này nhằm phục vụ thi công giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân), tổng chiều dài 3,7 km. Đây là dự án đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình, được HĐND TP phê duyệt cuối năm 2018.
“Việc phá vỡ con đường gốm sứ này không ai mong muốn, nhưng nó nằm trong tổng thể chung đã được phê duyệt nên việc phá dỡ là bất khả kháng”, ông Học nói.
Theo ông Học, Ban quản lý dự án đã báo cáo và UBND TP.Hà Nội có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép, sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường mới để duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hóa độc đáo của thủ đô Hà Nội.
Bức tường gốm sứ bị đập phá chỉ còn lại những mảnh sứ vỡ vụn
Trước đó, từ đầu tháng 6, tại khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu, các đoạn tranh gốm có chủ đề "mùa xuân", "phố cổ Bùi Xuân Phái", "Hà Nội xưa và nay"... bị đập bỏ toàn bộ để mở rộng đường khiến nhiều người tiếc nuối.
Con đường gốm sứ bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000m, diện tích 7.000m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng.
Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
Năm 2015, UBND TP.Hà Nội nghiên cứu Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên, với tổng mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, dự án đã xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, đưa vào sử dụng tháng 10/2018. Giai đoạn 2 của dự án được khởi công cuối tháng 12/2019, đoạn đường từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, tổng chiều dài 3,7km, được mở rộng mặt đê, thay một phần đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép.
Con đường gốm sứ lập Kỷ lục Guinness thế giới bị phá bỏ hơn 600m để phục vụ công trình mở rộng đường Âu Cơ,...
Nguồn: [Link nguồn]