Hà Nội tiếp tục bán 600 biệt thự cũ

Sự kiện: Thời sự

Thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, theo đúng quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.

Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".

Xuống cấp, không được bảo trì, sửa chữa

Theo quy định, biệt thự thuộc đối tượng quản lý của quy chế này được phân loại thành 3 nhóm, gồm nhóm 1 (70 - 100 điểm) là những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá; biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 - 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật).

Biệt thự cổ, biệt thự cũ ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Biệt thự cổ, biệt thự cũ ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng T.Ư Đảng, Cục phục vụ ngoại giao Đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của T.Ư và thành phố, của các Cty quản lý nhà quản lý, có 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3.

Về khó khăn vướng mắc trong quản lý, UBND thành phố cho rằng, chất lượng nhiều biệt thự đã xuống cấp, không có đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa. Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm; nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng.

Giai đoạn trước đây (từ năm 1954 đến trước năm 2009), biệt thự cũ chỉ được coi là nhà ở, nhà nước chưa có cơ chế, chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp; quá trình phân phối, bố trí, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự.

Một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nhà biệt thự cũ, chưa xác định được ý thức, trách nhiệm, chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, có trường hợp thắc mắc cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn.

Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa chữa, bảo trì biệt thự.

Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp trước đây không có hồ sơ quản lý, không kịp thời cập nhật về tình trạng biến động, về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Một số cấp chính quyền quận, phường chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý trật tự xây dựng, một số trường hợp tổ chức, cá nhân đang quản lý sử dụng biệt thự cố tình phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhưng không xin phép, các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trong nhà biệt thự chưa được các cấp chính quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời.

UBND thành phố cũng đánh giá, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Theo đó, hiện nay, mới chỉ có Cty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội khai thác hiệu quả 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường. Còn Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Cty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng mới chỉ thực hiện việc quản lý, cho thuê và bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng được phân phối, bố trí, cho thuê trước đây đang được hưởng việc thuê và mua nhà theo chế độ, chính sách của nhà nước quy định Theo Nghị định số 61.

Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý; Quỹ nhà ở biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của T.Ư và thành phố quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh… chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường, vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê, trả tiền một lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán (hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về quản lý quỹ nhà chuyên dùng, biệt thự) nên chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Rà soát, bán hoặc cho thuê biệt thự theo quy định của pháp luật

Về giải pháp khắc phục, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, cần ban hành cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường quản lý các biệt thự công trên địa bàn thành phố gắn với việc thực hiện tốt nội dung về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về cơ chế chính sách, UBND thành phố cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các nội dung về biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác.

Cụ thể, hoàn thiện khung pháp lý về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; khuyến khích cơ chế đối tác công tư trong thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Thành phố có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ, phố cũ và thiết kế đô thị; hỗ trợ, ưu đãi đối với việc cải tạo, trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử (nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác…).

Cùng với đó, điều phối và kiểm soát có hiệu quả việc sử dụng giá trị gia tăng từ địa tô, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; xây dựng và khuyến khích cơ chế thu gom và điều chỉnh đất đai để tái thiết đô thị, đặc biệt trong khu vực nội đô lịch sử. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về đất đai, tài sản tại khu vực nội đô lịch sử.

Thành phố được đấu thầu, cho thuê biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước để kinh doanh du lịch, dịch vụ văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực; được đấu giá bán biệt thự cũ, trừ công trình có giá trị đặc biệt hoặc công trình có hiệu quả cao về cho thuê, gắn với cam kết về giữ gìn, tôn tạo, bảo trì công trình.

Về tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thành phố cho biết sẽ dựa trên các nguồn vốn, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định số 99/2015 của Chính phủ; Nghị định số 30/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 của Chính phủ.

Thứ hai, thành phố sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự để xác định chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức T.Ư và thành phố đang quản lý, sử dụng hoặc thuê làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, để xử lý.

Cụ thể, xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 1 phần hoặc toàn bộ biệt thự.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh Danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự (rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý, hiện đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân) để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức, sau đó, tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần; sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử.

Về nhóm giải pháp kỹ thuật, thành phố cho biết, thực hiện Chương trình số 03 của Thành uỷ về chỉnh trang đô thị và kinh tế đô thị, căn cứ đề nghị của Sở Xây dựng, UBND thành phố sẽ xem xét, ban hành kế hoạch, danh mục 20 biệt thự (lấy trong danh mục 32 biệt thự) do thành phố đang quản lý; danh mục 10 công trình kiến trúc khác (lấy trong danh mục 12 công trình); danh mục 30 biệt thự do T.Ư quản lý (lấy trong danh mục 50 biệt thự) để thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang giai đoạn năm 2021 - 2025 theo Chương trình số 03.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở QH&KT nghiên cứu, ban hành thiết kế mẫu, hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt để giao cho đơn vị chuyên nghiệp thực hiện đảm bảo đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc, mỹ quan, chất lượng công trình. Hoàn thiện và trưng bày, công bố quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, thiết kế mẫu nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành để mọi tổ chức, cá nhân được biết và tham gia phản biện, thực hiện….

Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ rộng 450 m2

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ với cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Quốc phòng, Công an.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN