Hà Nội: Thu “tô” xe ôm ở Bến xe Giáp Bát

“Khi mới ra chạy xe ở đây, chúng tôi không bị thu phí gì. Nhưng 3-4 năm nay, để vào được trong Bến xe Giáp Bát bắt khách, ai cũng phải đóng một khoản phí hằng tháng”.

Để được vào trong Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) hoạt động, gần 400 người làm nghề lái xe ôm ở đây đã phải nộp 400.000 đồng/tháng. Việc thu phí theo kiểu thu “tô” (không có giấy tờ hóa đơn) đã xảy ra từ 3-4 năm trở lại đây với nhiều dấu hiệu sai phạm đã gây bất bình cho những người làm nghề xe ôm...

Oằn lưng đóng phí

Làm nghề chạy xe ôm đã 7 năm, ông Ngô Văn Túc (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) quê Nghệ An bức xúc: “Khi mới ra chạy xe ở đây, chúng tôi không bị thu phí gì. Nhưng 3-4 năm nay, để vào được trong Bến xe Giáp Bát bắt khách, ai cũng phải đóng một khoản phí hàng tháng”.

Theo ông Túc, để được vào bến đón khách, những người làm nghề như ông phải làm một bộ hồ sơ gồm: CMND, giấy tạm trú - tạm vắng và đơn xin việc nộp cho Công ty TNHH du lịch Đại Phát. Sau khi được chấp thuận, trong tháng đầu tiên mỗi người sẽ phải đóng một khoản phí là 700.000 đồng, cộng với 400.000 đồng nữa để mua 2 bộ quần áo đồng phục (màu xanh). Còn những tháng tiếp theo phải nộp 400.000 đồng/tháng/đầu xe.

Ông Túc cũng khẳng định, việc nộp tiền này là bắt buộc và định kỳ trong 3 ngày, từ 28 - 30 hàng tháng, phải tự vào công ty để nộp cho tháng sau, nếu không sẽ bị phạt. “Sau khi nộp tiền, mỗi chủ xe sẽ được phía Công ty Đại Phát dán cho một chiếc tem vào phù hiệu để kiểm tra mà không có bất kỳ hóa đơn chứng từ nào” - ông Túc cho biết thêm.

Hà Nội: Thu “tô” xe ôm ở Bến xe Giáp Bát - 1

Hoạt động bắt khách ở Bến xe Giáp Bát vẫn rất lộn xộn

Một người hành nghề xe ôm khác là ông Nguyễn Văn Giàng quê Nam Định than: “Bây giờ họ cấp thẻ tràn lan cho nhiều người vào trong bến, cộng với đội xe ôm hoạt động ngoài bến rất đông nên chẳng bắt được khách mấy, thậm chí có ngày không có khách. Thế nhưng, cứ đến kỳ là chúng tôi cứ phải nộp tiền”. Cũng theo lời ông Giàng, 1 năm trước đây Công ty Đại Phát thu 300.000 đồng/tháng. Nhưng từ đầu năm 2013, số tiền đã tăng lên 400.000 đồng.

Ai thu “tô” của xe ôm?

Việc thu “tô” như trên xuất phát từ hợp đồng cho thuê địa điểm giữa Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội (Công ty BXHN) - đơn vị quản lý Bến xe Giáp Bát và Công ty TNHH Du lịch Đại Phát (Công ty Đại Phát) để làm nơi điều hành, quản lý xe gắn máy chở khách. Cụ thể, ngày 30/1/2013, Công ty BXHN đã ký hợp đồng cho Công ty Đại Phát thuê địa điểm tại 2 vị trí với tổng diện tích 106m2. Giá thuê hàng tháng là 10.820.000 đồng. Thực tế, nói là thuê 2 vị trí, song Công ty Đại Phát “thầu” toàn bộ phía trong của bến xe. Theo đó, bất kỳ người lái xe ôm nào vào đây cũng phải nộp... tô.

Ngoài chiếc tem dán trên thẻ phù hiệu để vào bến, những người lái xe ôm trong Bến xe Giáp Bát không được hỗ trợ bất cứ thứ gì, thậm chí nếu có việc về quê mà chậm nộp tiền còn bị phạt.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay tại khu vực bên trong Bến xe Giáp Bát đã có gần 400 đầu xe ôm. Như vậy, với số tiền thu 400.000 đồng/tháng/đầu xe, số tiền mà công ty này thực thu có thể lên tới khoảng 150 triệu đồng/tháng, chênh hơn 100 triệu đồng so với hợp đồng 2 bên đã ký kết. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, phía đơn vị chủ quản có nắm được bao nhiêu đầu “xe ôm” ở trong bến không, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Công ty BXHN cho biết có khống chế lượng xe, nhưng không nắm được có bao nhiêu xe.

Còn ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty BXHN thì cho rằng, việc Công ty Đại Phát thu phí 400.000 đồng/tháng/đầu xe ôm, phía công ty hoàn toàn không biết. Ông Anh cũng khẳng định, số tiền trên Đại Phát thu về hoàn toàn. Ông Tùng Anh cho biết sẽ cho kiểm tra thông tin trên, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Vũ Văn Sứ - Phó Giám đốc Công ty Đại Phát. Theo ông Sứ, công ty ông đã ký hợp đồng quản lý xe ôm từ năm 2007 với Công ty BXHN với mục đích quản lý hoạt động xe ôm trật tự hơn. Ông Sứ cũng cho biết, trên thực tế mã thẻ đăng ký đầu xe ôm hiện lên đến gần 400, song thực tế hoạt động chỉ đạt gần 300 do nhiều người bỏ về quê. Về việc vì sao thu tiền mà không có hóa đơn, chứng từ, ông Sứ khẳng định, mỗi khi thu tiền, bên ông đều đưa biên lai cho những người lái xe ôm.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem biên lai, chứng từ thì ông Sứ không đưa ra được (?). Về căn cứ thu 400.000 đồng/tháng/đầu xe ôm, ông Sứ thừa nhận, từ năm 2012, công ty quyết định tăng từ 300.000 đồng lên 400.000 đồng để đảm bảo cân đối hoạt động cho công ty và trả lương bảo vệ.

Như vậy, bước đầu có thể khẳng định, việc thu phí xe ôm ở Bến xe Giáp Bát có dấu hiệu sai phạm, khi Công ty Đại Phát tự mình áp mức giá thu phí quá cao đối với mỗi đầu xe, việc thu phí cũng có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PVĐT (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN